Chánh án TAND thành phố Hà Nội báo cáo tại kỳ họp - Ảnh: Viết Thành |
Theo đó, từ ngày 1-10-2017 đến ngày 31-10-2018, TAND hai cấp Thành phố Hà Nội đã thụ lý 36.472 vụ án; giải quyết 30.001 vụ, đạt tỷ lệ 82,25%, số thụ lý tăng 5.695 vụ so với năm 2017.
Trong năm 2018, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp đặt dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương…
Tòa án đã áp dụng hình phạt đảm bảo nghiêm minh, nghiêm khắc trừng trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước, khoan hồng với những bị cáo phạm tội lần đầu, thật thà khai báo, ăn năn, hối cải.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2018, TAND hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án bị hủy, sửa, để quá thời hạn xét xử, trong đó đặc biệt là án hành chính (tính đến ngày 31-10-2018, tòa án hai cấp thành phố Hà Nội còn tồn 813 vụ án hành chính).
Việc giám định tâm thần đối với bị can, bị cáo hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm soát dẫn đến việc vi phạm trong hoạt động giám định thực tiễn gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên do thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính dẫn đến số lượng án hành chính tòa án cấp tỉnh phải giải quyết tăng đột biến, gây quá tải trong khi số lượng biên chế của thẩm phán yếu, không thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay, đặc biệt là Tòa án Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Chánh án TAND TP đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với HĐND và UBND Thành phố Hà Nội: Tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang thiết bị làm việc và kinh phí thực hiện công tác xét xử; hỗ trợ toàn bộ kinh phí, cơ sở vật chất thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hoạt động có hiệu quả; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế công tác xét xử, đời sống xã hội; kiến nghị các cơ quan quản lý về y tế tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý đối với các cán bộ y tế lạm quyền, ra những kết luận giám định y tế không đúng, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng; chỉ đạo các cấp ngành địa phương tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với TAND TP Hà Nội; đề nghị TAND Tối cao, Thành ủy Hà Nội, HĐND và UBND TP hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng mới trụ sở TAND Thành phố và mở rộng, sửa chữa, nâng cấp TAND cấp huyện cùng đó là hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trình độ với cán bộ công chức và Hội thẩm nhân dân; đề nghị sớm hỗ trợ TAND TP Hà Nội đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính tư pháp.