Từ khi Grabbike - dịch vụ vận chuyển khách bằng xe máy của Grab Việt Nam xuất hiện, xe ôm truyền thống lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều.
Không cạnh tranh nổi, một bộ phận tài xế xe ôm buộc phải chọn cách giả dạng Grabbike để mưu sinh.Tâm sự chua chát
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các loại hình xe cơ giới vận chuyển khách, ứng dụng hợp đồng điện tử với những thương hiệu như: Grab, Uber đang thực sự tạo nên một cuộc “lật đổ”, đẩy taxi và xe ôm truyền thống vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Lái xe ôm Nguyễn Văn Dần (Hà Đông) chia sẻ: “Trước đây, tôi bắt đầu một ngày làm việc vào 6 giờ sáng ở Bến xe Giáp Bát. Thông thường cứ mỗi ngày tôi chạy được khoảng 15 - 20 cuốc khách cả ngắn lẫn dài; thu nhập khoảng 300.000 - 500.000 đồng; dịp lễ tết có khi lên đến 1 triệu đồng/ngày. Nhưng từ khi Grabbike xuất hiện, tôi phải đi làm từ 4 giờ sáng, thu nhập từ 100 - 200 nghìn/ngày, có hôm chỉ được vài chục bạc”.
Rất nhiều người mặc đồng phục giả dạng Grabbike nhưng lại chào mời, chèo kéo khách trước cửa các bến xe. Ảnh: Ngọc Hải |
|
Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe ôm truyền thống với Grabbike hay UberMotor… ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Thua kém tuyệt đối về tiện ích, chất lượng phục vụ và đặc biệt là giá cả, hàng loạt xe ôm truyền thống đang rơi vào cảnh ế ẩm, chật vật như ông Dần. Bị thua thiệt, ảnh hưởng nặng nề đến miếng cơm manh áo, nhiều tài xế xe ôm truyền thống coi xe ôm công nghệ như kẻ thù. Đã có nhiều vụ xô xát xảy ra tại các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh giữa xe ôm truyền thống và Grabbike. Đại diện Grab Việt Nam cho biết, tính đến giữa tháng 6 vừa qua, đã xảy ra khoảng 100 vụ tài xế Grabbike bị hành hung có liên quan đến xe ôm truyền thống. Tại Hà Nội, một số nơi như khu vực bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát đã hình thành những điểm “nóng” về tranh chấp giữa 2 lực lượng xe ôm: công nghệ và truyền thống.
Sau nhiều vụ xung đột và những nỗ lực chèo kéo khách bất thành, một bộ phận ngày càng nhiều tài xế xe ôm truyền thống đã chọn cách “hóa thân” thành Grabbike để giành giật công việc. Trong vai một hành khách, phóng viên đã được nghe một tài xế xe ôm truyền thống tâm sự: “Mình giả làm Grabbike, nếu bắt được khách thì có tiền; mà lỡ gây khó chịu cho khách thì họ cũng nghĩ mình là Grab, họ ghét Grab có khi lại về với xe ôm kiểu cũ cũng nên”.
Không biết dùng smartphone
Ghi nhận tại Bến xe Giáp Bát trong dịp cuối tuần vừa qua, phóng viên đã chứng kiến hàng chục trường hợp xe ôm mặc đồng phục, đội mũ Grabbike nhưng lại chèo kéo, mời gọi khách trực tiếp chứ không thông qua ứng dụng. Những người này đều nhận là xe ôm Grab và hỏi khách muốn đi về đâu, rồi cam kết lấy giá vừa phải. Một số người còn giải thích: “Đợi tổng đài nó gọi thì được mấy chuyến, tranh thủ rảnh anh cứ mời thêm, vừa có đồng uống nước vừa không phải nộp “phế” cho tổng đài”.
Anh Nguyễn Văn Thành (Hà Nam) nhận xét: “Nghe họ nói không thể tin được, Grab với Uber làm gì có tổng đài gọi xe, tất cả đều đặt qua ứng dụng hết”. Thế nhưng vẫn có không ít người tin và lựa chọn xe ôm Grab “nhái”. Nhiều trường hợp khách, khi trả cước mới ngớ người tại sao cùng một quãng đường mà bắt Grab tại chỗ lại đắt gặp đôi, gấp ba đặt xe qua ứng dụng. Sau khi cãi vã, tranh luận không thành, hành khách đành ngậm ngùi trả tiền; muốn phàn nàn với Grab lại không thể biết tài xế vừa chở mình là ai, bấy giờ mới nhận ra là Grab “nhái”.
Một điểm khá tương đồng giữa các lái xe ôm Grab “nhái” là đa số họ đã đứng tuổi, ngoài mũ bảo hiểm và chiếc áo đồng phục đặc trưng, họ gần như không biết gì về Grab. Một lái xe ôm Grab “nhái” tại Bến xe Giáp Bát, để chứng minh mình là “hàng thật”, đã trưng ra cho phóng viên thấy chiếc smartphone cũ kỹ. Mở máy lên có cài ứng dụng Grab hẳn hoi nhưng người này lại loay hoay không biết tìm chỉ mục của Grabbike ở đâu. Vài người khác tỏ ra nóng nảy và bực tức hơn khi phóng viên gạn hỏi: “Grabbike cũng bắt khách ngoài hay sao?”. Ông Nguyễn Văn Dần nói: “Chúng tôi nhiều người đã ngót 50 tuổi rồi, cuộc sống khó khăn mới phải chạy xe ôm, dùng smartphone đăng ký chạy Grab thì không biết cách mà bỏ nghề thì sống làm sao?”.