“Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài…” (*)

26/04/2018 08:15

LTS: Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội diễn ra trong hai ngày 19 và 20/4, tại khách sạn La Thành Hà Nội và thành công tốt đẹp. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng chúc mừng thành công của đại hội cũng như văn nghệ sĩ Thủ đô. Báo Người Hà Nội trân trọng giới thiệu bài phát biểu này.

“Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài…” (*)
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Đại hội. Ảnh: HT
 “Tôi rất vui mừng đến dự Đại hội lần thứ 12 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - một sự kiện văn hóa quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong quá trình hình thành và phát triển của Hội; là dịp để Hội đánh giá kết quả hoạt động văn học nghệ thuật sau một nhiệm kỳ; từ đó rút ra kinh nghiệm, đề ra phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.

Mái nhà chung tập hợp văn nghệ sĩ (*)

(…) Hơn 50 năm qua, Hội Liên hiệp VHNT Thủ đô đã phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ một Chi hội Văn nghệ, hình thành tháng 10/1966, phát triển thành một Hội Văn nghệ mang tính tổng hợp, rồi dần mở rộng quy mô thành Hội Liên hiệp có 9 hội chuyên ngành với gần 3.400 hội viên như hiện nay. Đây là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc. Trước thực tiễn cuộc sống, văn nghệ sĩ Thủ đô được nâng cao nhận thức xã hội và phát huy tài năng nghệ thuật của mình cống hiến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; đóng góp nhiều công trình giá trị về văn hóa, xã hội cho Thủ đô và cả nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã thực sự trở thành một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đó chính là một sự nỗ lực, cố gắng vươn lên không ngừng của tập thể lãnh đạo và hội viên văn nghệ sĩ Thủ đô.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 11, Hội Liên hiệp VHNT đã có những hoạt động phong phú, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hội đã thực sự trở thành mái nhà chung tập hợp, động viên văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật. Với mục tiêu “Phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, trí thức văn nghệ sĩ phấn đấu để có nhiều tác phẩm và công trình xuất sắc, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, vững bước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, văn học nghệ thuật Thủ đô đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Hội Liên hiệp và các Hội thành viên đã bám sát các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật như: Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 22 - NQ/TW tại hội nghị lần thứ 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu và phát triển bền vững đất nước”, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội của Thành phố cũng như xâm nhập thực tiễn sinh động của đời sống xã hội Thủ đô để sáng tác. Dòng mạch chính xuyên suốt các hoạt động văn học, nghệ thuật Thủ đô là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội… Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn. Bên cạnh việc sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật đã ra đời nhằm tổng kết những giá trị văn học, nghệ thuật, giới thiệu những tinh hoa văn hóa thế giới; khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các đề tài lịch sử và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện và trải rộng ra nhiều khía cạnh. Các tác phẩm, ấn phẩm văn hóa, VHNT ngày càng phong phú đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng. Nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành, chuyên đề được tổ chức. Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật có chiều sâu tư duy. Các hình thức tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ cũng như vận dụng thế mạnh của chế độ đầu tư đặt hàng, ký hợp đồng mua sản phẩm đối với những công trình và sản phẩm xuất sắc được vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Các cuộc trao đổi chuyên môn, giao lưu với các Hội kết nghĩa và 5 vùng đất kinh đô xưa diễn ra thường xuyên. Các trại sáng tác có quy mô lớn được mở rộng. Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô nhiệm kỳ qua đã trao cho 79 tác phẩm có chất lượng, có sức lan tỏa trong định hướng tư tưởng, thẩm mỹ và ngày càng khẳng định được uy tín của mình. 

Với những đóng góp quan trọng, những cống hiến to lớn của văn học nghệ thuật Thủ đô, nhiều văn nghệ sĩ đã được trao tặng những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Thành phố như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú… Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho những tác giả, tác phẩm xuất sắc đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô chúng ta.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, hoạt động của Hội Liên hiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức và của đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ đông đảo, trí tuệ, giàu tâm huyết trước những yêu cầu và đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Thủ đô.
Với tầm vóc lớn mạnh của Hội Liên hiệp VHNT, hàng triệu công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô vẫn đang chờ đợi nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Còn ít những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh một cách sâu sắc, sinh động và hấp dẫn hiện thực cuộc sống của nhân dân Thủ đô, của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng thành phố và phản biện xã hội của anh chị em văn nghệ sĩ chưa tập trung. Tiếng vang và sức lan tỏa của các tạp chí, các ấn phẩm của Hội Liên hiệp cũng như của các Hội chuyên ngành chưa được như mong đợi. Bên cạnh đó, thành phố cũng nhận thấy còn thiếu các cơ chế để động viên, để khơi nguồn, tạo cảm hứng cho các sáng tác của các thành viên của Hội.

Cần tiếp tục phát huy tính sáng tạo, sự tâm huyết (*)

Để Hội Liên hiệp VHNT Thủ đô ngày càng phát triển, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tôi cơ bản đồng tình với những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã nêu ra trong Báo cáo trình Đại hội. Tôi trân trọng những ý kiến góp ý chân thành của hội viên văn nghệ sĩ để xây dựng và phát triển Hội trong Đại hội này. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi mong muốn trong thời gian tới đây, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tiếp tục:

Một, quán triệt sâu sắc các nội dung Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược phát triển xây dựng văn hóa và con người Việt Nam theo yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, đặt biệt là quán triệt những nội dung mới về văn hóa văn nghệ của Đại hội XII của Đảng và Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, chương trình 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà cụ thể là đẩy mạnh việc sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên…; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn. 

Hai, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nỗ lực, tiếp tục phát huy tính sáng tạo, sự tâm huyết để cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, truyền thống tốt đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để văn hóa Hà Nội thực sự là động lực, nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Ba, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cần tiếp tục vươn lên xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là mái nhà chung của giới văn nghệ sĩ, được nhân dân tin cậy, luôn thực sự đoàn kết, thống nhất và vững mạnh, hoạt động hiệu quả; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, công bố, phổ biến tác phẩm, giao lưu quốc tế; chú trọng quan tâm đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, có trách nhiệm với cộng đồng, có khát vọng cống hiến, vươn lên; thường xuyên mở các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, các cuộc thi sáng tác chuyên đề, giáo dục truyền thống yêu nước nhằm thu hút, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sinh hoạt và sáng tác; hỗ trợ các câu lạc bộ văn học nghệ thuật về chất lượng sáng tác và tổ chức sinh hoạt nhằm từng bước bồi dưỡng và phát triển lực lượng; thường xuyên chia sẻ những khó khăn cũng như thuận lợi của hội viên; quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh, tuyên dương văn nghệ sĩ có đóng góp vào sự phát triển văn học, nghệ thuật của Thủ đô, có tác dụng động viên văn nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm công dân, tham gia tích cực công tác xã hội. 

Bốn, tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về văn học nghệ thuật. Các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Sở Văn hóa và Thể thao, phải lắng nghe các ý kiến đóng góp của giới văn nghệ sĩ; nghiên cứu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút, vận động các nguồn lực tài trợ cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. 

Năm, hiện nay, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách để chống phá ta, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ, lôi kéo một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí đi ngược lại con đường cách mạng; Tôi đề nghị Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cần nhận rõ nguy cơ này để vừa xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vừa quan tâm tuyên truyền tới hội viên và toàn thể văn nghệ sĩ trau dồi bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, không ngả nghiêng, dao động, không bị lôi kéo trước cái xấu, cái sai trái; cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Sáu, về mô hình tổ chức Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật. 

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn, là trái tim của đất nước, thành phố hòa bình. Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thủ đô có sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng tạo nên sự đặc sắc, phong phú của văn hóa Thủ đô cả bề rộng lẫn chiều sâu. Mỗi chúng ta hết sức tự hào là công dân của Thủ đô, được sống và làm việc trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa ấy. Với tình yêu Hà Nội luôn thấm đẫm trong tâm hồn mỗi văn nghệ sĩ, là ngọn lửa vĩnh cửu cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vượt qua khó khăn, cùng đoàn kết, góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Lãnh đạo Thành phố luôn tin tưởng và mong rằng, với những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy được, sự tín nhiệm của Đại hội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp nhiệm kỳ lần thứ 12 sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, cùng toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô hoàn thành sứ mệnh cao cả là người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Sau Đại hội, tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT và 9 hội thành viên sẽ ngày càng vững mạnh, khởi sắc, hiệu quả; đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô sẽ luôn “Đoàn kết - đổi mới, sáng tạo và phát triển”. 
.....................................................................................
(*) Tiêu đề và các đề mục do báo Người Hà Nội đặt
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài…” (*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO