Xây dựng cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện

Đăng Chung| 30/10/2017 09:51

Vừa qua, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.

Xây dựng cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Nam

Hoàn thành 
các mục tiêu

Báo cáo với Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm đạt trên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,3%/năm.

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dự kiến đến cuối năm 2017 đạt 73,8%. Công tác chỉnh trang đô thị của TP. Hà Nội đã có nhiều đổi mới, trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển với nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. Chính trị xã hội trên địa bàn luôn được ổn định, hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được tiếp tục đẩy mạnh.

Đảng bộ Hà Nội cũng là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, với nhiều biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp tiếp tục được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, kịp thời nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

Những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là minh chứng khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao và những cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, Đảng bộ Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần sớm khắc phục để Thủ đô phát huy tốt hơn vị thế, vai trò và trách nhiệm với cả nước. 

Để Thủ đô hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện tốt vai trò là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia. TP. Hà Nội cũng kiến nghị, đề xuất T.Ư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 11. TP. Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu một số vấn đề: quy hoạch chung đô thị vệ tinh, triển khai một số dự án xây dựng hạ tầng đô thị, cho phép Thành phố được thực hiện hình thức thu tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% với các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên để phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung...

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện sơ kết triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những kết của đạt được sau 5 năm đã cho thấy quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Chỉ rõ những thách thức lớn mà Hà Nội đang phải đối mặt trong quá trình quản lý siêu đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những thách thức này cho thấy, cần tạo ra một không gian chính sách tốt hơn, tạo sự chủ động và gỡ bỏ những rào cản, góp phần đưa Thủ đô vào quỹ đạo phát triển nhanh hơn bền vững hơn. "Hà Nội nên mạnh dạn kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Cái gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Hà Nội cần chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng cho ý kiến".

Hà Nội phải gương mẫu đi đầu 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, là bộ mặt của đất nước. Hà Nội có lịch sử truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi hội tụ những giá trị tinh thần lâu đời nhất, lớn nhất của dân tộc, có nhiều di tích lịch sử có chiều sâu văn hóa; người Hà Nội, văn minh, thanh lịch… Đó là những nguồn lực tinh thần quý giá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Theo Tổng Bí thư, khi đi vào kinh tế thị trường và Thủ đô ngày càng phát triển, Hà Nội càng phải giữ vững bản sắc riêng của mình, giữ vững cái hồn cốt của dân tộc. Đổi mới, hội nhập, hiện đại hóa, nhưng không được quên bản sắc thanh lịch, văn minh mà càng phải làm cho các bản sắc ấy đậm nét hơn, càng phải làm cho Hà Nội xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội cần coi trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội kỷ cương, nền nếp. Cần làm tốt công tác quản lý dân cư, đất đai, đô thị, nhất là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đây là vấn đề lớn, còn nhiều việc phải làm.

Đề cập công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nêu rõ, Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu đi đầu trên tất cả các mặt, phải xây dựng Đảng bộ Hà Nội thành đảng bộ tiêu biểu, kỷ luật nghiêm minh. Tổng Bí thư yêu cầu, Đảng bộ Hà Nội tập trung thu hút mọi nguồn lực của cả nước, của quốc tế để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển toàn diện.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11, Hà Nội cần phấn đấu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, tăng trưởng GRDP bình quân từ 8,5% đến 9%; GRDP bình quân từ 140 triệu đồng đến 145 triệu đồng/người; tỷ lệ diện tích nhà ở đô thị bình quân năm 2020 đạt 26,3m2/người.
Về kiến nghị của TP. Hà Nội về xin áp dụng cơ chế đặc thù, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng ý với đề xuất của Đảng bộ Hà Nội và yêu cầu Thủ đô nêu rõ các vấn đề cần áp dụng cơ chế đặc thù, trình Chính phủ, Quốc hội để sửa luật nếu cần. Tổng Bí thư cũng yêu cầu cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần xây dựng theo hướng phù hợp, để tất cả các cấp, ngành phải thu hút nguồn lực về Hà Nội đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Về đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nên mạnh dạn cho Hà Nội triển khai thực hiện. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị và ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành Trung ương, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất thực hiện những hành động cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại để xứng đáng với niềm tin của Bộ Chính trị cũng như của cả nước với Thủ đô Hà Nội. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO