Liên tục trong thời gian qua, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được đưa ra xét xử. Dù điều này ít nhiều đem lại cho dư luận niềm tin vào công lý song vẫn còn đó biết bao trăn trở trước thực tế đau lòng này.
Ngày càng nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện. Ảnh minh họa Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ bị hiếp dâm chiếm đến 65% và số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm tới 28%...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đánh giá, trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. Trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em/8.200 vụ xâm hại trẻ em (chiếm tới 65%) với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Điều đáng chú ý là một số nạn nhân bị xâm hại ở lứa tuổi rất bé; bị xâm hại nhiều lần; kéo dài; nhiều vụ, thủ phạm xâm hại trẻ em chính là người thân trong gia đình.
Báo cáo từ Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam còn đưa ra con số thống kê đầy xót xa: 93% trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục từ người quen. Trong đó, 47% kẻ xâm hại chính là những người trong gia đình hoặc có quan hệ họ hàng và phần lớn vụ việc xảy ra ở những địa điểm được coi là an toàn như trường học, khu dân cư hay… trong chính nhà nạn nhân. Có một thực tế đáng báo động nữa là, nếu như tình trạng này trước đây xảy ra chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp; thì hiện nay ngày càng nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái độ tuổi từ 12 - 16. Cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ 2 - 3 tuổi.
Xâm hại tình dục trẻ em gây tổn hại lâu dài về thể chất, tinh thần cuộc đời của trẻ, ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội. Hậu quả của xâm hại tình dục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn, vì dễ bị lây tuyền nhiều bệnh qua đường tình dục nên những trẻ bị xâm hại có thể mất khả năng sinh sản. Nhất là, nhiều trẻ bị hoảng sợ, sống mặc cảm, rơi vào trầm cảm kéo dài, thường xuyên nghĩ đến cái chết. Thậm chí, nhiều trẻ còn phải bất đắc dĩ trở thành mẹ khi còn ở tuổi vị thành niên.
Mặt khác, những con số được thống kê trên, theo các cơ quan chức năng, mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Con số trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đều tỏ ra bất bình khi cho rằng số vụ xâm hại tình dục trẻ em nhiều nhưng số vụ được xét xử lại ít. Số lần giành lại sự công bằng cho nạn nhân, số vụ được xử lý kịp thời, là không đáng kể. “Nhiều vụ việc được điều tra trong nhiều tháng, nhiều năm nhưng vẫn không có kết quả. Điều đó khiến nạn nhân và người thân của trẻ mệt mỏi vì phải chịu áp lực trong thời gian dài.” - Bà Nguyễn Vân Anh, đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nêu.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải thực tế này, trong đó có nguyên nhân từ khả năng phản ứng chậm trễ, thiếu chủ động từ các cơ quan liên quan. Thậm chí, trong nhiều vụ, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em sau khi bị xét xử hoặc không bị xét xử vẫn nhởn nhơ, không bị cộng đồng lên án, tạo áp lực. Trong khi đó, với tâm lý xấu hổ, sợ hãi, trẻ em bị hại và gia đình, người chăm sóc, bảo vệ giấu diếm, không dám chia sẻ, ít dám tố cáo mà thường thỏa thuận với thủ phạm…
Tuy nhiên, có lẽ những gì đã dẫn ở trên vẫn chưa phải là con số thực về số lượng trẻ nhỏ bị tấn công tình dục bởi vẫn còn không ít vụ việc đã và đang bị “chìm xuồng” bởi những nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự im lặng của chính nạn nhân và người chăm sóc, bảo vệ trẻ. Theo TS Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội), sở dĩ có thực tế này là do quan niệm xã hội về vấn đề trinh tiết và trách nhiệm của người phụ nữ trong việc giữ gìn tiết hạnh chính là rào cản lớn nhất khiến nhiều nạn nhân, gia đình nạn nhân không vượt qua được, bỏ cuộc tố giác vụ việc. Họ chấp nhận nhìn kẻ liên quan nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì theo họ đõ là cách tốt nhất để bảo vệ danh dự, tương lai cho người thân… Nhưng, thực tế lại cho thấy, vì chính không dám lên tiếng này mà hệ quả nạn nhân phải gánh chịu trong cả cuộc đời là rất lớn…
Bài 2: Hãy dũng cảm lên tiếng