Vụ tranh bị xước tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020: Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm lúng túng trả lời phóng viên

HNM| 02/12/2020 17:38

Chiều 1/12, cuộc họp báo khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) - Bộ VHTT&DL tổ chức “nóng” chưa từng thấy do vụ việc tranh của họa sĩ bị xước.

Phó Cục trưởng Cục MTNATL Mã Thế Anh trả lời báo chí nghẹn lời như muốn khóc, vì những câu hỏi xoay quanh sự vụ Ban tổ chức làm xước tranh, vỡ tác phẩm điêu khắc… khiến họa sĩ xin rút tranh, đòi bồi thường khoảng 50.000 USD.
Họa sĩ phản ứng, đòi đền bù
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Năm nay, sau 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, TP gửi về tham dự. Trong đó, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Nói như Phó Cục trưởng Cục MTNATL Mã Thế Anh: “Tuy triển lãm thiếu nhiều họa sĩ có tên tuổi nhưng những tác phẩm đã lựa chọn đều tiêu biểu, phản ánh được phần nào sáng tạo của các họa sĩ, đặc biệt là lớp họa sĩ trẻ”.
Thế nhưng, triển lãm lần này không “xuôi chèo mát mái” như các triển lãm trước. 9,6 tỷ đồng đầu tư của ngành cho công tác tổ chức các sự kiện triển lãm hàng năm vẫn khiến kinh phí bị hạn hẹp. Ban tổ chức đã không thể chu toàn trong các quy trình, để xảy ra vụ việc xước tranh và vỡ tác phẩm điêu khắc.
Cụ thể, trước giờ khai mạc, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã thông tin cho báo chí anh xin rút tác phẩm của mình khỏi triển lãm lần này. Bởi vì tác phẩm sơn mài mang tên “Địa linh nhân kiệt” của anh sau khi vận chuyển đến triển lãm đã xuất hiện 5 vết xước. Trong đó có vết xước sâu ngang mặt nhân vật.
“Đối với sơn mài bị xước nghĩa là phải làm lại. Tôi không chấp nhận cách làm việc cẩu thả và vô trách nhiệm thế được” – họa sĩ Nguyễn Quốc Huy bày tỏ. Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy yêu cầu Ban tổ chức bồi thưởng cho tác phẩm, với giá trị khoảng 50.000 USD. Ngoài ra, một số tác phẩm điêu khắc còn bị vỡ.
Chiều 1/12, vấn đề này đã trở thành tâm điểm của cuộc họp báo. Ông Mã Thế Anh cho biết: “Khi rà soát các công việc của triển lãm, chúng tôi đã phát hiện một số tác phẩm bị xước và đã chủ động gọi điện cho các tác giả, nhận lỗi về Ban tổ chức. Chúng tôi rất chia sẻ với các nghệ sĩ, nhà điêu khắc vì tác phẩm là con đẻ của họ, đây là điều không mong muốn”.
Cách làm nghiệp dư
Theo ông Mã Thế Anh, nếu giữ nguyên cách tổ chức triển lãm như hiện nay, bất kể ai thực hiện cũng đều có nguy cơ xảy ra các sự cố. “Tranh nào khi chấm chọn, triển lãm cũng bị Hội đồng bê ra bê vào rồi xếp vào kho, xong lại mang lên treo, di chuyển rất nhiều công đoạn, có cả trăm con người cùng thực hiện. Quy mô và cách làm của chúng ta có vấn đề” - ông Mã Thế Anh chia sẻ.
Để làm rõ hơn công tác tổ chức các triển lãm từ trước đến nay có vấn đề, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng bày tỏ: “Từ những năm 60 thế kỷ trước đến nay, tôi đã biết rất nhiều cuộc triển lãm có tác phẩm bị hỏng hóc, thậm chí bị mất. Tuy nhiên, nạn nhân không ai than phiền. Tôi cho rằng, chúng ta hoạt động vẫn rất nghiệp dư, chưa có công ty chuyên vận chuyển tác phẩm nghệ thuật”.
Trước vấn đề bồi thường thiệt hại, bảo hiểm tác phẩm, lãnh đạo Cục MTNATL chưa có câu trả lời chính thức. Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ Bùi Kỳ Đà: “Khi ký hợp đồng thi công với Cục, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện bồi thường, chỉ nghĩ anh em làm thì phối hợp nên trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng”.
Thực tế trên cho thấy, trước khi tìm ra được đội ngũ hùng mạnh, tiệm cận với nền mỹ thuật thế giới, khâu tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia cần được chuyên nghiệp hóa. Có như vậy, họa sĩ mới yên tâm để đưa những đứa con tinh thần của mình ra giới thiệu với công chúng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Vụ tranh bị xước tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020: Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm lúng túng trả lời phóng viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO