Vụ án tại Thủy điện Sơn La: Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung

Hữu Quyết (TTXVN/Vietnam+)| 07/06/2019 14:23

Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với 17 bị cáo liên quan đến sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Vụ án tại Thủy điện Sơn La: Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung
Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Chiều 5-6, sau gần một tuần nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với 17 bị cáo liên quan đến sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Tòng Thị Hiền đã công bố quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trương Tuấn Dũng và 16 đồng phạm.

Các bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 và 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Qua quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét thấy một số tài liệu, văn bản mới được xuất trình tại phiên tòa chưa được thu thập hợp pháp; việc giám định chưa phù hợp với quy định của pháp luật; chứng cứ dùng để chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cần phải thu thập thêm.

Ngoài ra, có căn cứ cho rằng còn có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố. Việc điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp điều tra, bổ sung thêm năm vấn đề liên quan đến vụ án.

Cụ thể, thứ nhất, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời gian hiệu lực và nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi bị cáo trong từng giai đoạn thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 15-4-2014 của UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Thứ hai, làm rõ hơn về việc thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với khu vực trong và ngoài mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La giai đoạn 2014-2016 được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai năm nào? Có được thực hiện theo quy định về cơ chế đặc thù đối với dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La theo quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 11-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ không?

Thứ ba, làm rõ hơn diện tích sử dụng đất thực tế trong và ngoài khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La của hộ Đèo Văn Ban; xác định có đủ điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất không; làm rõ việc thu hồi đất, đền bù giải phóng tổng mặt bằng dự án Nhà máy thủy điện Sơn La đối với hộ Đèo Văn Ban vào năm 2003.

Bổ sung toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng phòng hộ cho Đèo Văn Ban năm 2003 và tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại về diện tích đất và bồi thường đối với hộ Đèo Văn Ban (giai đoạn từ 2003 đến trước 2014 và từ 2016 đến 2017).

Thứ tư, làm rõ yêu cầu của UBND huyện Mường La và Ban Quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La đối với số tiền đã bồi thường, hỗ trợ cho hộ Đèo Văn Ban.

Thứ năm, xem xét trách nhiệm của Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đo đạc Bảo Bình; trách nhiệm của đại diện UBND xã Tạ Bú, huyện Mường La trong việc ký xác nhận các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với hộ Đèo Văn Ban.

Trước đó, trong thời gian diễn ra phần xét xử, bị cáo Trương Tuấn Dũng và nhiều bị cáo khác đều khẳng định mình vô tội. Các bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng, Kế hoạch số 41 được ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không sai so với các quy định khác.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La, năm 2014, Trương Tuấn Dũng, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư ký ban hành Kế hoạch số 41 để triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cho phép Văn phòng đăng ký đất đai và Công ty Bảo Bình có trụ sở tại Hà Nội đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Cơ quan tố tụng xác định Kế hoạch 41 của UBND huyện Mường La ban hành sai quy định; không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị, bị cáo khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ, rồi bồi thường sai hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban.

Sau khi bồi thường đất đai, tại Mường La xuất hiện nhiều đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là đơn của bị cáo Đèo Văn Ban. Vì vậy, Công an đã vào cuộc điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy năm 2014, khi đo đạc lại theo Kế hoạch 41, Đèo Văn Ban đã tự ý khoanh vùng đất của mình trên bản đồ với diện tích lớn hơn nhiều lần thực tế. Vì thế, Đèo Văn Ban được huyện Mường La phê duyệt thu hồi gần 170.000m2, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Đèo Văn Ban do có vi phạm.

Bị cáo Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường La, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, và 12 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Bốn bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có bị cáo Triệu Ngọc Hoan, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Triển lãm "Hào khí Điện Biên - Một thiên sử vàng"
    Tư liệu, hình ảnh được tập trung vào 3 phần, gồm: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc chiến 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, “Quảng Nam - Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”.
  • Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024
    Ngày 20/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức “Lễ hội kem Thủy Tạ 2024” tại nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện nhằm tri ân khách hàng đã yêu mến Thủy Tạ suốt hơn 66 năm qua, đồng thời ra mắt dòng kem tươi cao cấp và 2 vị kem mới.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
Đừng bỏ lỡ
Vụ án tại Thủy điện Sơn La: Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO