Sự bùng nổ trên được đáp ứng bởi các hệ thống thanh toán phủ khắp cả nước và ngày càng tiện ích.
Cụ thể, đến tháng 7/2020, đã có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, 37 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đáng chú ý, số tài khoản cá nhân tại Việt Nam hiện đã đạt hơn 94,8 triệu, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2016; tổng lượng thẻ lưu hành đạt gần 107,7 triệu thẻ, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước với 18.842 ATM và 262.733 POS.
Về thanh toán, đến tháng 7/2020, thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 15,2 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 249,6% và 299% so với cùng kỳ năm 2016).
Đặc biệt, đến tháng 7/2020, thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt hơn 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 1.006% và 2.670% so với cùng kỳ năm 2016); thanh toán qua POS đạt 156,1 triệu món với 322,1 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 217,6% và 138,3% so với cùng kỳ năm 2016); thanh toán qua ATM đạt 557,5 triệu món với 1,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 33,5% và 53% so với cùng kỳ năm 2016).
Báo cáo mới đây của NHNN cũng nhấn mạnh, theo khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Trong xu hướng trên, để giúp người tiêu dùng, đặc biệt là công nhân lao động có thể nhìn nhận rõ hơn về những lợi ích của việc chi tiêu không dùng tiền mặt,để phổ biến rộng rãi hơn nội dung trên PV Báo Người Hà Nội đã có mặt tại Buổi tọa đàm diễn ra vào lúc 15h ngày 6/10/2020 tại Hội trường Công ty Yamaha Việt Nam, với sự tham gia của các vị khách mời: Liên đoàn Lao động Hà Nội, đại diện Vietcombank, Agribank và TS. Lê Thẩm Dương.
Tham gia tọa đàm với một chủ đề gần gũi - “Quản trị kinh tế gia đình và chi tiêu thông minh”, TS. Lê Thẩm Dương nhìn lại một quan điểm.
Trong cuộc sống, nhiều người xem chi tiêu thông minh là việc làm sao để giảm chi hoặc bớt chi. Tuy nhiên, theo TS. Dương, đứng ở góc độ cá nhân, cần chi tiêu thông minh thì trước hết phải có tư tưởng “tăng thu” chứ không phải “giảm chi”.
“Chi tiêu thông minh đầu tiên là phải tìm giải pháp tăng thu. Nhiều người có quan điểm ‘giảm chi’, đó là bằng lòng với chính mình”, TS. Dương nói.
Sau khi định hình quan điểm đó, mỗi người cần quản lý chi tiết các khoản chi tiêu của mình. Với chi tiêu không dùng tiền mặt, mỗi người sẽ có điều kiện, phương tiện để nắm rõ hơn.
Phải xác định những việc đáng làm trong một ngày của gia đình, đó là những hoạt động phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình. Mọi hành vi chi tiêu, dù là lãnh đạo, quản lý, hay tiêu dùng thông thường đều phải hướng tới hiệu quả. Hiệu quả khác kết quả, bởi nó không đơn giản là chi tiêu một cách mơ hồ mà phải xác định những nhu cầu thiết yếu nhất và hiệu quả mang lại.
Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh của kinh tế 4.0, các doanh nghiệp đều cố gắng tạo ra hệ sinh thái, kinh tế kết nối được đề cao. Khi môi trường thay đổi thì hành vi thay đổi nhất là hành vi tiêu dùng của mỗi người.
Với cách chi tiêu của mỗi người, theo nhìn nhận của TS. Lê Thẩm Dương, có 3 trạng thái: “Bần tiện”, “Lãng phí” và “Tiết kiệm”. Trong đó, tiết kiệm là trạng thái mà chúng ta cần hướng đến, cố gắng chi tiêu chuẩn mực tiết kiệm, không bần tiện và cũng không hoang phí.
Chi tiêu thông minh gồm các nguyên tắc: Nhất quán trong danh mục chi tiêu; Suy nghĩ trước khi tiêu tiền; Hạn chế ở mức thấp nhất; Lập tiến độ mua sắm và cuối cùng là Cân nhắc kỹ trước khi mua sản phẩm gì?
Theo khuyến nghị của chuyên gia này, khoản chi tiêu của mỗi cá nhân nên chia cho các danh mục: 10% cho giáo dục, 10% cho hưởng thụ, số còn lại là để chi tiêu cho các khoản thiết yếu và đầu tư. Mỗi ngày nên tiết kiệm những chi phí không cần thiết.
Với thanh toán không dùng tiền mặt, TS. Lê Thẩm Dương nhấn mạnh là một phương tiện của một xã hội tiên tiến, bởi ở đó mỗi cá nhân đều có khả năng tự quản lý chi tiêu của mình.
Vậy, chi tiêu và thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện qua những kênh nào?
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc chi nhánh Vietcombank Đông Anh, cho biết, theo quy định tại Thông tư số 46/2014 của NHNN, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm có qua các thiết bị đọc thẻ như POS/EDC, qua Internet Banking, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi...
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đông Anh tư vấn cho công nhân cách chi tiêu không cần tiền mặt
Trước đây, những năm 1990, thanh toán ở Việt Nam chủ yếu là bằng tiền mặt, người dân hầu như không có tài khoản ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu thay đổi, có thêm các dịch vụ, sản phẩm và phương thức thanh toán đa dạng, trong đó nổi bật là xu hướng chi tiêu không dùng tiền mặt.
Nhìn lại cả quá trình đó để thấy đã có thay đổi rất lớn trong hoạt động thanh toán và chi tiêu tại Việt Nam. Thay đổi mà TS. Lê Thẩm Dương gọi là “sự bùng nổ trong hội nhập”.
“Như chúng ta đã thấy, vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 doanh số chi tiêu không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng trưởng đột ngột với sự vào cuộc của 45 tổ chức tín dụng. Đây chính là sự bùng nổ trong hội nhập của nền kinh tế, dựa trên nỗ lực của các tổ chức cũng như sự cải thiện trong nhận thức của người dân”, TS. Dương nói.
Tuy nhiên, theo ông, đây mới chỉ dừng ở mức “hiện tượng” và nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là cần phải thúc đẩy để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng thực sự mở rộng.
Theo đại diện Vietcombank, xu hướng đó, thanh toán và chi tiêu không dùng tiền mặt đã trở thành một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trong một xã hội có nhu cầu kết nối, chia sẻ lớn, thương mại điện tử đang bùng nổ, đi cùng là sự phát triển của các phương tiện thanh toán trung gian.
Tôi tin rằng, không chỉ trong giai đoạn này mà ngay cả sau khi Covid-19 qua đi, thương mại điện tử vẫn là một xu hướng, việc thanh toán không dùng tiền mặt có cả lợi ích vi mô và vĩ mô.
Với đời sống hàng ngày, như TS. Lê Thẩm Dương đã nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng thu thì chúng ta tính đến giảm chi. Và việc tận dụng các chương trình khuyến mại lớn trên các trang thương mại điện tử, đặc biệt là thông qua các kênh thanh toán không tiền mặt chính là một cách tốt để chúng ta giảm chi”, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc chi nhánh Vietcombank Đông Anh tư vấn.
Bà Đặng Thu Thủy, đại diện Agribank cũng cho biết, trong xu hướng trên, các ngân hàng luôn tập trung và không ngừng xây dựng, phát triển các dịch vụ, tiện ích tốt nhất để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo đó, như với khách hàng của Agribank, chỉ với một chiếc điện thoại di động họ có thể thực hiện thanh toán hầu hết các nhu cầu chi tiêu hàng ngày, như các loại phí, chi trả cước viễn thông, truyền hình, đặt vé máy bay, thanh toán QR Code,…
"Chúng tôi cũng hiểu rằng, trong thời đại 4.0, nhu cầu sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt ngày càng tăng cao, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua.
Theo thống kê, tại Agribank, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã tăng tới 150% trong thời gian qua, điều này chứng tỏ các dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng đang ngày càng được khách hàng tin tưởng và lựa chọn", đại diện Agribank cho biết.
Tại tọa đàm, thực tế đặt ra, trước đây công nhân thường phải xếp hàng nhận lương, nhưng giờ đây chỉ sau một cú “click” doanh nghiệp đã trả lương một cách dễ dàng. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả doanh nghiệp và công nhân.
Tương tự, các dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện nước... đều được thanh toán thông qua chuyển khoản. Và ở đây, mỗi người cũng dễ dàng “click” qua phím bấm để xử lý nhanh chóng, thuận tiện, thay vì phải xếp hàng đi nộp như trước.
Tiện ích là vậy, môi trường thay đổi thì hành vi phải thay đổi. Tuy nhiên, việc chi tiêu bằng tiền mặt đã ăn sâu vào người dân. Vậy làm thế nào để thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng?
Trước câu hỏi trên, TS. Lê Thẩm Dương trả lời ngắn gọn: “Về nguyên tắc, chúng ta nên áp dụng lý thuyết quyền lợi, tức là khi thấy quyền lợi thì người ta sẽ làm”.
Một quyền lợi rất cụ thể, TS. Lê Thẩm Dương gợi ý với các CNLĐ tham dự tọa đàm có thể sử dụng thẻ tín dụng trong chi tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt - một sản phẩm rất phổ biến tại các nước phát triển.
Tư vấn thêm về sản phẩm này, ông Nguyễn Việt Hưng - chuyên viên tư vấn của Hội sở Vietcombank cho rằng đây còn là một lựa chọn để tránh và hạn chế tình trạng tín dụng đen thường gặp trong đời sống công nhân.
Theo ông Việt Hưng, tín dụng đen là hình thức cho vay nặng lãi, không nằm trong kiểm soát của pháp luật, lãi suất rất cao. Thủ tục cho vay của tín dụng đen rất đơn giản, cách thức vay có thể qua các app vay tiền bằng một vài thông tin cá nhân… Thủ tục vay đơn giản dễ dẫn đến những kẽ hở, mang lại rủi ro cho người vay.
“Ngân hàng cho vay khác tín dụng đen ở điểm là được pháp luật ủy quyền, lãi suất hợp lý, thủ tục rõ ràng. Trong đó, nổi bật là sử dụng thẻ tín dụng. Nếu như biết cách chi tiêu hợp lý thì người tiêu dùng thậm chí còn không mất một đồng lãi nào trong sử dụng nguồn tiền của ngân hàng để chi tiêu, thanh toán”, ông Việt Hưng tư vấn, với thực tế thẻ tín dụng của các ngân hàng hiện nay phổ biến chi trả hộ, tạm ứng thanh toán cho người dùng với chính sách miễn lãi từ 45-55 ngày…