Thạch Hà, Hà Tĩnh: Xe quá tải vô tư hoạt động ngay tại mỏ đất
Như đã đưa tin “Thạch Hà – Hà Tĩnh: Xe quá tải vô tư hoạt động ngay tại mỏ đất”, tình trạng xe chở đất có dấu hiệu quá tải, nghênh ngang lưu thông trên đường làng, ra tỉnh lộ, quốc lộ mà không hề gặp một sự trở ngại nào, thậm chí còn vượt mặt lực lượng chức năng ngay cả khi lực lượng chức năng có mặt mà không hề có sự trở ngại.Nhận được tin báo xe chở đất có dấu hiệu quá tải nghênh ngang lưu thông trên đường, ngày 16/09/2018 phóng viên báo Người Hà Nội đã có mặt tại điểm lấy đất trên địa bàn thôn Tân Sơn, xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh để mục sở thị và xác nhận nguồn tin. Tại điểm lấy đất, các máy móc thiết bị, xe cộ hoạt động rầm rộ như một mỏ đất được phép hoạt động công khai. Các loại xe ra vào nườm nượp chở đất và tỏa đi các huyện lân cận như: Cẩm Xuyên; TP Hà Tĩnh.
Vào ngày 24/09/2018 có mặt tại điểm khai thác đất, nhóm phóng viên đã ghi lại được hình ảnh máy xúc, xe cộ vẫn hoạt động rầm rộ, tấp nập. Nửa quả đồi gần như bị san phẳng, chỉ còn trơ lại mốt số tảng đá phong hóa đang chuẩn bị hạ bệ. Hàng nghìn mét khối đất đã bị lấy đi.
Ngày 24/9, phóng viên ghi nhận cảnh hoạt động như một đại công trường tại mỏ đất
Mặc dù sự việc đã được thông tin đến các cơ quan chức năng nhưng đến sáng ngày 25/10/2018 khi phóng viên trở lại thì quả đồi tại thôn Tân Sơn đã bị san phẳng gần như hết
Con voi chui lọt lỗ kim
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Quý – CTX Nam Hương cho biết: Chủ trương của xã là san lấp quả đồi lấy mặt bằng làm sân vận động cho thôn Tân Sơn và giao cho bà Trần Thị Hồng – Trưởng thôn, chủ trì.
Khi được hỏi, chủ trương của thôn và xã đã báo cáo lên huyện và đã được sự chấp thuận đồng ý của cấp trên hay chưa? Thì ông Quý trả lời là chưa. Chưa được sự đồng ý phê duyệt của cấp trên thì có được khai thác và san lấp quả đồi để lấy mặt bằng không, vị chủ tịch xã trả lời là không(?)
Khi phóng viên hỏi, hiện nay chưa được sự đồng ý của cấp trên, nhưng tình trạng khai thác và san lấp đang diễn ra rầm rộ, hàng nghìn mét khối đất trên địa bàn đang bị đưa đi bán chui ở khắp các nơi, nếu ông không tin, mời ông ra mục sở thị (trụ sở UBND xã cách điểm khai thác đất khoảng 1km).
Thật khó hiểu là vị Chủ tịch này lại nói: Việc san lấp, đào móc tôi giao cho ông Hồ Văn Nga – Trưởng công an xã Nam Hương giám sát, quản lý. Thật khó hiểu cho cách trả lời thoái thác của vị chủ tịch này, bởi chính ông nói là chưa được chấp thuận và phê duyệt. Dư luận đặt ra câu hỏi là “tiền về túi ai”?.
Lực lượng chức năng có mặt trên tuyến để làm gì?
Thật khó hiểu và băn khoăn khi dư luận phản ánh tình trạng xe chở đất quá khổ có dấu hiệu quá tải “vượt mặt” lực lượng giao thông một cách dễ dàng như thế. Ngày 16/09/2018 khi phóng viên Báo Người Hà Nội về xác nhận thông tin và mục sở thị, thấy chiếc xe của lực lượng giao thông BKS: 38A 001.22 luôn túc trực trên tuyến, cách điểm khai thác đất khoảng 1km. Thế nhưng các xe chở đất vẫn “ung dung” đi qua như chưa hề có lực lượng đứng chốt chặn. Đến ngày 24/09/2018 phóng viên Báo Người Hà Nội vẫn thấy chiếc xe BKS 38A 001.22 túc trực đó. Dường như, sự xuất hiện của chiếc xe này chỉ để “đứng nhìn” những chuyến xe chở đất quá khổ có dấu hiệu quá tải lưu thông trên tuyến. Chỉ khi biết có sự xuất hiện của nhóm phóng viên, tổ tuần tra mới xuống xe làm nhiệm vụ.
Sự việc khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn: Tại sao một chủ trương chưa được sự chấp thuận của cấp trên nhưng lại khiến chính quyền xã Nam Hương, huyện Thạch Hà sốt sắng cho người vào đào bới quả đồi như vậy. Băn khoăn nữa là khi thì ông nói chưa nắm được tình hình, nhưng sau ông lại nói giao cho cán bộ giám sát quản lý. Phải chăng vị chủ tịch này đã và đang bỏ mặc mọi vấn đề diễn ra trên địa bàn mà không một chút mảy may vướng bận, không biết rằng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đang bị lấy trộm đi và gây thất thoát cho nhà nước không biết là bao nhiêu. Hay ông biết mà vẫn im lặng và tiền về túi ai khi chính quyền buông lỏng quản lý.
Sự việc này xin gửi tới các vị lãnh đạo huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh xem xét, xử lý nhằm hạn chế tình trạng “đất tặc” lộng hành, gây thất thoát nguồn tài nguyên trên địa bàn. Và “tiền về túi ai khi mà đất tặc ngang nhiên lộng hành như thế”?.