Không liên quan vụ án không có nghĩa là không có trách nhiệm
Thông tin cho biết, từ năm 2013 đến nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã 3 lần thay đổi quyết định phân công nhiệm vụ cho các Cục phó liên quan đến việc phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan. Cụ thể
Tại Quyết định số 438 ngày 28/3/2013 phân công nhiệm vụ ông Phạm Quốc Hùng giúp cục trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác chống buôn lậu và xử lý vi phạm; trực tiếp phụ trách Đội kiểm soát hải quan, Phòng xử lý vi phạm.
- Tại Quyết định số1199 ngày 19/9/2014 phân công ông Đinh Ngọc Thắng giúp cục trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác chống buôn lậu và xử lý vi phạm; trực tiếp phụ trách Đội kiểm soát hải quan, Phòng xử lý vi phạm.
Ông Đinh Ngọc Thắng dù chỉ phụ trách một ngày thì vẫn có trách nhiệm liên quan
- Tại Quyết định số 1883 ngày 21/8/2015 phân công ông Phạm Quốc Hùng giúp Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác chống buôn lậu và xử lý vi phạm; trực tiếp phụ trách Đội kiểm soát hải quan, Phòng xử lý vi phạm.
“Như vậy trong thời gian vụ án Nguyễn Tường Duy, ông Thắng chỉ phụ trách Đội kiểm soát hải quan một thời gian rất ngắn (11 tháng). Vụ án này Bộ Công an đã có văn bản trả lời về trách nhiệm của các lãnh đạo Cục HQTPHCM, trong đó khẳng định không liên quan đến đồng chí Thắng” - thông tin cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về thông tin trên, một số cán bộ hải quan tại đơn vị này cho biết: Cách giải thích trên là chưa thỏa đáng. Bộ Công an trả lời qua xác minh đến thời điểm hiện nay chưa thấy ông Thắng liên quan đến vụ án Nguyễn Tường Duy. Cách trả lời trên không có nghĩa không liên quan thì không có trách nhiệm. Bởi thời điểm ông Thắng phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan không thể coi là ngắn vì gần một năm trời, ông Thắng dù phụ trách một ngày cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói không có trách nhiệm.
Ông Hoàng Việt Cường liệu có phải chịu trách nhiệm người đứng đầu đối với vụ án?
Mặt khác, vụ việc tiêu cực của Nguyễn Tường Duy diễn ra nhiều năm, là đường dây vi phạm có hệ thống. Thông tin bạn đọc phản hồi về tòa soạn cũng cho thấy rõ có phản ánh liên quan đến ông Thắng. Một doanh nghiệp cho biết: “Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP.HCM, tôi đã rất nhiều lần bị Nguyễn Tường Duy làm khó một cách vô lý và trái pháp luật. Khi chúng tôi khiếu nại, Duy đều nói có gì gặp anh Chung (tức ông Bùi Thành Chung, Đội phó Đội kiểm soát Hải quan), anh Thắng. Tất cả các doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu tại HQ TPHCM đều biết người đứng đằng sau Nguyễn Tường Duy là ông Chung và ông Thắng. Đề nghị báo Công lý tiếp tục làm rõ”.
Được biết, trả lời báo chí, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Hải quan TP Hồ Chí Minh thừa nhận chỉ có ông Thắng và ông Chung là hai người bị công an triệu tập liên quan đến vụ án Nguyễn Tường Duy.
Đối chiếu theo các quyết định về phân công giao nhiệm vụ thì thời điểm xảy ra sự việc, người phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan là ông Phạm Quốc Hùng và lãnh đạo cục là ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng. Vậy thì khi xảy ra sự việc bị khởi tố, hai ông Phạm Quốc Hùng và Hoàng Việt Cường phải là người bị kiểm điểm, làm rõ, xử lý trách nhiệm nhưng đến nay Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện việc này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, xung quanh việc quy trách nhiệm của lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh hậu vụ án Nguyễn Tường Duy vẫn còn nhiều điểm mập mờ. Bởi lẽ, trả lời báo chí, chính ông Hoàng Việt Cường thừa nhận chỉ có duy nhất ông Đinh Ngọc Thắng nhiều lần bị cơ quan Công an triệu tập để làm rõ. Còn ông Phạm Quốc Hùng là người phụ trách Đội kiểm soát Hải quan thì không bị triệu tập lần nào và ông Cường cũng khẳng định ông Hùng “trong sạch, không liên quan gì vụ án”. Như vậy thì ai mới là người thực sự liên quan và phải chịu trách nhiệm?
Thành ủy TP Hồ Chí Minh phản ứng bất thường về công tác cán bộ
Ngày 4/5/2017, ngay sau khi nhận được giấy mời họp do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh gửi tới với nội dung chung chung, mập mờ không rõ, chỉ ghi “họp về công tác cán bộ”, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Công văn số 2506-CV/BTCTU phản ứng về sự việc.
Công văn của Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Công văn nêu: “Vào lúc 17 giờ thứ Năm, ngày 4/5/2017, Ban Tổ chức Thành ủy có nhận được văn bản fax giấy mời họp số 48/GM-BCSĐ ngày 4/5/2017 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về mời đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy tham dự buổi làm việc về triển khai công tác cán bộ lúc 9 giờ sáng thứ 6, ngày 5/5/2017 tại trụ sở Cục Hải quan Thành phố (do Cục Hải quan TP gửi). Qua trao đổi với đồng chí Tạ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính, được biết nội dung làm việc là “lấy phiếu tín nhiệm về nhân sự Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh”. Về việc này, Ban Tổ chức Thành ủy có ý kiến như sau:
“Việc triển khai các quy trình về công tác tổ chức cán bộ cần thiết phải đảm bảo theo quy định của Đảng; có sự bàn bạc, thống nhất trước của lãnh đạo Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, lãnh đạo Thành ủy và các cơ quan tham mưu về nhân sự, thời gian, quy trình cụ thể. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh chưa có kết luận chính thức về nhân sự Cục trưởng Cục Hải quan thành phố và các đồng chí Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh hiện đang ở Hà Nội (tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương). Vì vậy, kính đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính hoãn tổ chức buổi làm việc này cho đến khi Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh thống nhất được chủ trương về nhân sự Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố”.
Họp kiểu “tập kích” đúng ngày Hội nghị Trung ương 5 khai mạc
Kiến nghị trên của Thành ủy TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính đáng và đúng pháp luật. Bởi vì, theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 26-9-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ đã quy định rõ: “Về quan hệ giữa Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương và BanThường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ: “Bỏ quy định về việc hiệp y ý kiến của Đảng đoàn, Ban cán sự đảng các Bộ, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Giữ lại việc hiệp y ý kiến của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức và hoạt động theo ngành dọc, đóng trên địa bàn và sinh hoạt đảng tại địa phương. Cụ thể là Ban cán sự đảng, Đảng đoàn hoặc cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương chủ động phối hợp, trao đổi ý kiến (bằng văn bản) với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ về dự kiến điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của Viện kiểm sát, Toà án; cấp trưởng của cơ quan Thuế, Hải quan; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công tác và sinh hoạt đảng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Thế nhưng, bất chấp kiến nghị của Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm chức danh Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vẫn được tổ chức ngay lúc 9 giờ sáng hôm sau, đúng vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5 tại Hà Nội, cho dù đại diện Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh không có mặt dự họp.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh tiếp tục phản ứng
Được biết, ngày 24/5/2017 vừa qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc phối hợp trong công tác bổ nhiệm cán bộ tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tài chính sớm trao đổi với Thành ủy đồng thời cân nhắc không bố trí, phân công, bổ nhiệm cán bộ có tín nhiệm thấp (không quá 50% phiếu tín nhiệm). Trong khi đó, được biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm gần đây tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, ông Thắng chỉ được 12/24 phiếu tín nhiệm, chưa quá bán 50%.