Từ trung tâm Bưu điện quận Hà Đông, TP. Hà Nội đi theo hướng Đông Nam, qua sân vận động, qua làng Hà Trì, sẽ đến ngôi làng nổi tiếng bao đời nay với nghề lò rèn để làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống và lao động sản xuất.
Theo Thần phả của các dòng họ để lại, nghề rèn ở làng Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Nhưng đến thời nhà Trần mới phát triển mạnh nhờ có hai cụ Nguyễn Thuần và Nguyễn Thuật là hai anh em quê gốc ở Thanh Hóa ra định cư và truyền dạy bí quyết nghề rèn cho dân làng. Sản phẩm chính của làng nghề là: dao, kéo, tràng đục, lưỡi bào, liềm, hái, lưỡi cày, lưỡi bừa, cuốc, xẻng…
Nghề rèn Đa Sỹ đã được trang bị thêm nhiều máy móc để thay sức con người. Ảnh: Kim Oanh
Nghề rèn ở Đa Sỹ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Khách đến thăm làng xa xa đã nghe rõ âm thanh của kim loại va đập vào nhau, tiếng đe, tiếng búa chí chát, tiếng quạt gió thổi bễ phù phù, tiếng máy mài kêu re re, bụi mạt sắt bắn tung tóe lóe sáng như muôn vàn tia pháo hoa ngày hội.
Mỗi gia đình sản xuất một loại sản phẩm riêng, nhà thì làm dao tông (dao rựa), nhà thì làm dao nhỏ các loại. Có nhà làm kéo may nổi tiếng, tất cả các nhà may danh tiếng đất Hà Thành đều phải về đây để đặt hàng. Những chiếc kéo may, tay co tay duỗi sắc ngọt mà không có nơi nào làm được như ở làng nghề Đa Sỹ này.
Các mặt hàng dao kéo cũng vô cùng phong phú, nhiều chủng loại mẫu mã. Chỉ riêng dao cũng có đến hơn 20 loại lớn nhỏ, từ dao rựa, dao quắm cho đến dao bổ cau, dao làm lòng gà vịt, dao tỉa hoa… Kéo cũng có 15 - 20 loại, từ kéo cắt sắt, kéo cắt may, kéo cắt tóc, cắt thịt, kéo cửi…
Còn nhớ lúc tuổi thơ, chợ làng tôi cũng họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng, phía gần cuối chợ làng, cứ đến phiên là có hai cha con bác thợ rèn từ làng Đa Sỹ sang làm nghề, lúc thì sửa cái liềm cái cuốc, lúc lại rèn con dao cái kéo để bán phục vụ bà con. Anh con trai lực lưỡng với hai cánh tay rắn chắc và đen cháy nhấc hai chiếc cán bễ cao chừng hơn một mét đưa lên đưa xuống nhịp nhàng đẩy hơi vào lò than đá đang rực hồng lập lòe theo nhịp tay chàng trai trẻ. Người cha tuổi trung niên nước da đen bóng, đỏ au, tuy gầy gò nhưng rất rắn rỏi. Khi nung thanh sắt đã đỏ hồng ông dùng chiếc kìm dài cặp thanh sắt đặt lên đe, còn tay kia ông cầm chiếc búa nhỏ gõ lên đe ba tiếng làm hiệu. Anh con trai lúc đó không kéo bễ nữa mà cầm chắc trong tay cây búa tạ chờ hiệu lệnh của cha. Sau khi người cha đánh hai nhịp búa nhỏ thì anh con trai lại bổ xuống một nhịp búa to tạo nên một thứ âm thanh rất đặc biệt: cạch, cạch, cùng… âm hưởng đó đã đi vào tiềm thức mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ. Ngày đó chúng tôi gọi cha con ông phó rèn là: ông cạch, cạch, cùng…
Từ Hợp tác xã Đa Thành, thành lập sau hòa bình, giờ đây Đa Sỹ có trên 800 hộ đang trực tiếp sản xuất nghề rèn và hơn 100 hộ kinh doanh phục vụ sản xuất, cung ứng sắt thép, than, cán dao và thu gom sản phẩm của làng. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư búa máy, máy phay, máy tiện, máy dập, máy khoan, máy mài, máy rút để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng của nước ngoài. Đồng thời nâng cao mức thu nhập, tạo được nhiều công ăn việc làm cho các lao động trong làng và các vùng lân cận, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong làng.
Tối đến, từng đoàn xe container nối đuôi nhau thành hàng dài ngoài đầu làng, chờ bốc xếp những kiện hàng to nặng hàng tấn, do các thanh niên lực lưỡng đưa lên cầu vần vào xếp hàng ngay ngắn trong khoang của container để vận chuyển sản phẩm của làng Đa Sỹ đi các vùng miền trên khắp đất nước, và các vùng biên giới.
Người dân làng Đa Sỹ thuần chất, hiền lành, chịu khó, yêu nghề và mến khách. Đất Đa Sỹ nổi tiếng là đất đãi ngoại, thường những người ở nơi khác đến định cư đều làm ăn phát đạt và thuận lợi. Con gái thiên hạ về làng Đa Sỹ làm dâu thì cô nào cũng đẹp nõn nà, đảm đang, tháo vát.
Đất Đa Sỹ còn là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra nhiều danh y, tiến sĩ, trạng nguyên. Trong đó có cụ Hoàng Nghĩa Phú là Lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám và 11 tiến sĩ làm quan trong các triều vua.
Đa Sỹ xưa còn có tên gọi là Đan Sỹ (Bến Thuốc). Khi Đức Thành hoàng làng là cụ Hoàng Đôn Hòa làm quan ngự y trong triều Lê về quê làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân, thì bến sông Nhuệ nơi đây trở thành bến đỗ của các thuyền buôn thuốc nam, thuốc bắc từ các tỉnh đổ về làng Đan Sỹ thời đó, trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập…
Đa Sỹ có truyền thống hiếu học, hầu hết các gia đình dù có khó khăn đến mấy cũng cố gắng tạo điều kiện cho con cháu học hành tử tế. Chẳng thế mà hầu như nhà nào cũng có con cháu học vấn trình độ đại học trở lên.
Từ năm 2009, Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ với 1.163 hội viên tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu tại Hà Nội, Huế, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Vinh, Quảng Bình. Làng nghề Đa Sỹ được Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là 1 trong 6 làng nghề truyền thống tiêu biểu toàn quốc. Năm 2014 có 4 người thợ giỏi, tay nghề cao được Hiệp hội làng nghề phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp Trung ương và có 3 người được phong tặng nghệ nhân cấp Thành phố.
Đến Đa Sỹ hôm nay, qua quần thể chùa, đình, miếu là khu chợ sầm uất, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ đủ các mặt hàng, trong đó nổi bật nhất vẫn là những gian hàng bán sản phẩm dao kéo của các gia đình làm nghề rèn truyền thống, đã làm nên một diện mạo Đa Sỹ mới, giàu đẹp và ấn tượng trong lòng du khách thập phương.