Chị Lò Thị Lý trú tại Sìn Hồ (Lai Châu), cho biết: “Tôi đang rất cần xuống Hà Nội đi làm, chủ cơ sở giục suốt nhưng không tìm được xe. Một số nhà xe cho biết, nhanh nhất cũng phải tới ngày 20/10 mới chạy lại. Hơn nữa tôi cũng đang rất lo lắng, không biết để vào được Hà Nội cần thủ tục gì, có phải cách ly nhiều ngày hay không?”.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết: “Bến đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị để tiếp nhận, nhưng lượng xe đăng ký chạy lại cho tới thời điểm này vẫn quá ít”. Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình thông tin thêm, để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, tất cả các hành khách đều được lưu lại thông tin khi đến bến xe và được yêu cầu thực hiện tuân thủ 5K. Bến xe Mỹ Đình cũng đã chuẩn bị nhân lực, kịch bản cho những tình huống rủi ro dịch bệnh.
Nhà xe nghe ngóng, chờ đợi
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng cho biết: “Các đơn vị vận tải đều đã nắm được thông tin cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà xe xác định nhu cầu khách ít và điều kiện phòng dịch khắt khe, các địa phương chưa đồng bộ quy định việc đón hành khách từ các tỉnh về khiến nhiều tuyến chưa thể hoạt động được”. Theo ông Bằng, chi phí để hoạt động một chuyến xe tăng lên khá nhiều cũng là một nguyên nhân khiến các nhà xe hững hờ, chưa muốn khai thác. Cụ thể là quy định tần suất khai thác xe chỉ được 5% so với bình thường, tài xế, phụ xe phải tiêm 2 mũi và xét nghiệm Covid-19, sau mỗi chuyến xe phải vệ sinh, khử trùng phương tiện. Chưa kể mới đây giá xăng dầu liên tục tăng, lập đỉnh của nhiều năm, khiến các đơn vị vận tải càng e dè, sợ lỗ.
Anh Trần Tuấn Anh, Hợp tác xã vận tải ô tô số 1 Cao Bằng, thông tin: “Để có thể vận hành được một chuyến xe chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, chuyên môn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lái phụ xe không nhiều, nếu trên xe xuất hiện F0 hay F1 chi phí cho nhân viên đi cách ly còn gấp nhiều lần so với lợi nhuận thu được từ việc hoạt động trở lại”. Bên cạnh đó, anh Trần Tuấn Anh cho rằng, việc chỉ hoạt động với tần suất khai thác xe 5%, sau mỗi chuyến hoạt động phải về nghỉ đến cả gần 2 tuần sau mới đến lượt chạy tiếp khiến nhiều nhà xe không muốn khai thác. Đặc biệt, các quy định tiếp nhận người dân tại các địa phương còn chưa đồng nhất, khiến người dân lo lắng, không muốn di chuyển. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa khôi phục hoạt động, chưa có việc làm; các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội vẫn dạy - học trực tuyến nên người dân có nhu cầu trở lại TP rất ít.
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn nhận định, vận tải hành khách liên tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, để có thể phục hồi vận tải hành khách điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Việc sớm phủ kín vaccine toàn dân là điều kiện tiên quyết đối với việc phục hồi lại vận tải hành khách liên tỉnh. Ngoài ra, TP Hà Nội nên xem xét cho phép trường học, và nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh khác được hoạt động trở lại thì nhu cầu đi lại giữa các tỉnh, TP của người dân mới tăng, qua đó mới đủ điều kiện phục hồi mạng lưới VTHK liên tỉnh” - Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.