Theo tinh thần biện chứng, không có sự vật nào phát triển trong thế cô lập, đóng cửa, bế quan tỏa cảng, bảo thủ; trái lại nó chỉ có thể phát triển trong tương tác với sự vật khác. Văn hóa/ văn học tất nhiên cũng phát triển theo quy luật đó.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của nhà văn Đức Erich Maria
Remarque (1898 - 1970) đến nhà văn Bảo Ninh khi ông viết “Nỗi buồn chiến tranh”
Nhìn tổng thể, trong chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, văn hóa/ văn học Việt Nam đã trải qua bốn thời kỳ giao lưu và hội nhập khu vực và thế giới (theo thứ tự thời gian): Văn hóa/ văn học Trung Hoa (khoảng 2000 năm), văn hóa/ văn học châu Âu (chủ yếu là Pháp, khoảng 100 năm), văn hóa/ văn học Nga Xô-viết (gần nửa thế kỷ, từ sau 1945 đến khi Liên bang Xô-viết tan rã), văn hóa/ văn học thế giới (từ 1986, gắn với công cuộc Đổi mới, không có mô hình duy nhất, theo tinh thần quan hệ đa chiều).
Ở đây, cần nhấn mạnh đến tinh thần tiếp biến văn hóa như một phương thức hữu hiệu để người nghệ sĩ (ngôn từ) Việt Nam vừa đứng vững trên nền/thung thổ văn hóa dân tộc vừa hút mật tinh hoa của văn hóa nhân loại.
Tiếp biến sáng tạo
Sự sáng tạo của Đại thi hào Nguyễn Du trong quá trình viết kiệt tác “Truyện Kiều” là một ví dụ tiêu biểu. Rõ ràng phần “bột” (cốt truyện dựa theo “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, đời Minh, Trung Quốc) là của “ngoại”, nhưng qua bàn tay nghệ sĩ thiên tài nó trở thành “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều). Theo nhà văn Đặng Thai Mai, ““Truyện Kiều” trở thành “linh kinh” của người Việt Nam, nó có thể báo cho người ta những bước may rủi trên đường đời” (Nguyễn Du tiếp cận từ góc độ văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr.12). “Kim Vân Kiều truyện” là tiểu thuyết chương hồi (20 hồi), “Truyện Kiều” là tiểu thuyết bằng thơ (3254 câu lục bát, một thể thơ thuần Việt). Người Việt Nam có thể bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, nhại Kiều. Kiệt tác này đã vượt ra ngoài khuôn khổ, tính chất của một tác phẩm văn học thông thường, trở thành một di sản văn hóa (năm 2015, Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới).
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du trong “Bắc hành tạp lục”, “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” là bằng chứng thuyết phục về sự sáng tạo của Đại thi hào khi tiếp biến thơ Đường của Trung Quốc (nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Du gần gũi với Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch).
Trong tiếp biến văn hóa/ văn học châu Âu giai đoạn đầu (chủ yếu là văn hóa/ văn học Pháp), các nhà văn viết tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX đã học hỏi kinh nghiệm nghệ thuật của các nhà văn Pháp. Giới nghiên cứu đã chỉ ra sự gần gũi trong sáng tác của các nhà văn Pháp với nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958), tác giả của hơn 60 cuốn tiểu thuyết. Tương tự, những nhà văn thời kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX như Phạm Duy Tốn (1883-1924) đã viết thiên truyện nổi tiếng “Sống chết mặc bay” (1918), rất gần gũi với thiên truyện “Ván bi-a” của nhà văn Pháp thế kỷ XIX Alphonse Daudet (1840-1897). Tuy nhiên Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn vẫn là những nhà văn Việt Nam tài năng có nhiều đóng góp vào sự phát triển văn học dân tộc thời hiện đại (sáng tác bằng Quốc ngữ Latinh).
Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, 1942) công khai chuyện làm thơ của mình đã ảnh hưởng từ các nhà thơ Pháp như thế nào: “Tháng 10 năm 1981, khi nói chuyện ở Đại học Sorbonne (Paris): “Đề tài tình yêu trong sáng tác của Xuân Diệu”, bài thơ tình mà tôi dẫn đầu tiên là bài “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, vì trong bài thơ ấy tôi đã vay mượn của ba thi sĩ Pháp; Tôi muốn thính giả người Pháp thấy một thi sĩ Việt Nam chân thực đền ơn trả nghĩa và cũng uyên bác kim với cổ, Đông với Tây, họ sẽ vui, và tôi sẽ đắc nhân tâm tức là được chính trị - Nhà thơ Pháp Étmông Harôcua có bài thơ ngắn rất nổi tiếng “Partir, c’est mourir un peu = Đi, là chết ở trong lòng một ít”; đúng quá, những đôi lứa muôn đời dứt gan dứt ruột phải biệt xa nhau; khoảng 1934-1938, tôi đang yêu, bèn vận vào mình và chuyển sang: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Câu thứ ba tôi lấy dáng dấp một câu thơ trong bài thơ tình duy nhất không tiền khoáng hậu của Fêlix Arơve (1806-1850), tất cả sự nghiệp sáng tác của ông đã vào lãng quên, duy có bài thơ thất tình, thơ tình tuyệt vọng của ông: “Mon âme a son secret = Lòng ta chôn một mối tình”, là còn sống mãi hơn 150 năm nay đến nỗi tự vị Larutxơ cũng phải nhắc đến; trong đó có câu: “Dù anh có đi trọn con đường trần thế của mình. N’osant rien demande’, et n’ayant rien recu = Chẳng dám xin và chưa hề nhận được gì”, tôi chuyển câu này thành “Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu” (…). Tôi cũng láy theo điệu rông-đô (rondeau) của nhà thơ Sáclơ Đoóclêăng thế kỷ XV: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết/ Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt/ Tưởng trăng tàn hoa tạ với hồn tiêu/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Và ở cuối đoạn thứ ba, câu thứ 13 là câu cuối cùng, lại láy câu thứ nhất. Và có thể nói một cách chân thật: Saclơ Đoóclêăng khi láy lại, đã tạo ra một nhạc điệu rất hay, tuy nhiên không đắc thế bằng tôi khi láy lại các câu, vì mùa xuân không luẩn quẩn, còn tình yêu khi không được chia sẻ, thì người đang yêu như con tằm rút ruột tự giam thân, vướng vít ở trong cái kén đau khổ bịt bùng” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 217-218). Cần có một ghi chú trong trường hợp này: Trong các tuyển thơ, bài thơ này (Yêu là chết ở trong lòng một ít) có nhan đề “Yêu”.
Phương diện tài năng
Các nhà văn Việt Nam thời đương đại đã ảnh hưởng và học tập tinh hoa văn học thế giới? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của nhà văn Đức Erich Maria Remarque (1898-1970), tác giả tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng thế giới “Phía Tây không có gì lạ” (Tên khác: Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, 1929) đến Bảo Ninh khi viết “Thân phận của tình yêu” (tiểu thuyết, 1990, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, sau này khi tái bản lấy tên “Nỗi buồn chiến tranh”). Trong dịp đến Bắc Kinh (6/2019) tham dự lễ ra mắt tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” được dịch sang tiếng Trung Quốc (Dịch giả: Phó Giáo sư Hạ Lộ), nhà văn Bảo Ninh đã trả lời phỏng vấn của Tập đoàn Truyền thông Bành Phái Tân Văn. Trong trả lời phỏng vấn, nhà văn Bảo Ninh nhấn mạnh ý tưởng: “Nếu không cầm súng đánh trận, tôi không thể viết như vậy”. Ông đã chia sẻ với độc giả: “Từ nhỏ, đã thuộc lòng nhiều đoạn trong “Tam quốc diễn nghĩa” (…). Thời gian tại ngũ tôi có đọc “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”. Sách này tôi thu được từ chiến hào những lính Cộng hòa (Nam - Việt Nam). Tôi và các chiến hữu (lính Bắc Việt) đọc rồi bị cuốn hút. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của tôi về chiến tranh. Cũng ảnh hưởng đến sáng tác của tôi nữa. Còn mức độ ảnh hưởng ra sao thì bản thân cũng không thật rõ” (Tạp chí Nhịp cầu thế giới online).
Trong số các cây bút trẻ thế hệ 7X, độc giả rất mến mộ nhà văn Phạm Duy Nghĩa (sinh 1973), hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Công việc quản lý chắc không có gì quá nặng nề với nhà văn khi làm việc trong môi trường “quân phong quân kỷ”. Phạm Duy Nghĩa, theo chúng tôi, là cây bút truyện ngắn không thuộc loại “ăn khách” trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhưng văn (truyện ngắn) của anh thuộc loại văn đẹp, sâu lắng, trầm tĩnh, nhiều chất thơ. Ngòi bút của anh hướng nhiều về con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Anh tự nhận: “Tôi có chịu ảnh hưởng văn học Xô-viết, văn học Đông Âu nên có ý thức dành cho thiên nhiên vị trí ưu ái, trân trọng trong tác phẩm” (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 5/2/2011). Đọc Phạm Duy Nghĩa, thấy phảng phất phong vị văn xuôi của nhà văn Nga nổi tiếng thời hiện đại Chyngyz Torekulovich Aytmatov (1928-2008). Đọc “Cơn mưa màu mận trắng” (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn, 2003-2004, của báo Văn nghệ) độc giả tinh tường sẽ nhận ra dư vị tác phẩm “Núi đồi và thảo nguyên” của nhà văn Nga đã thấm vào văn Phạm Duy Nghĩa một cách khéo léo, tinh tế.
Tất nhiên, chúng tôi còn không khỏi băn khoăn nhận thấy một số cây bút đã “học hỏi” thế giới một cách máy móc khiến cho tác phẩm của họ có cái vẻ “thời thượng”. Nói cho cùng, sự sàng lọc của thời gian (vị quan tòa công minh nhất) mới là quyết định vì “thời gian vặt lông” tất cả, không trừ ai.