Văn hoá dân gian không phải là những điều xa lạ, mà tồn tại ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta. Đó là “văn hoá gốc”, “văn hoá mẹ”, có mặt trong mọi nếp sống, nếp nghĩ rất đời thường. Văn hoá dân gian cũng là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta qua bao thế hệ, mang trong mình những nét đặc trưng nhất từ lối sống đến lề thói ứng xử, từ phẩm chất đến phong cách, tập quán và mọi hình thái hướng nội, hướng ngoại của người Việt. Từ đó, tạo nên bản sắc, bản lĩnh dân tộc, để dân tộc có thể trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.
Văn hoá dân gian là yếu tố cốt lõi trong quá trình hình thành nhân cách con người như vậy. Tuy nhiên, trước xu hướng thế giới phẳng, việc “san bằng” văn hoá diễn ra ngày càng nhanh, các giá trị truyền thống đang dần bị đe doạ, thế hệ trẻ thơ cũng đứng trước nguy cơ đánh mất dần những giá trị cội nguồn này.
Đầu tiên, xét trên khía cạnh các hoạt động truyền thống. Một thực trạng đáng buồn rằng các lễ hội văn hoá dân gian đang ít dần đi. Việc duy trì các lễ hội dân gian trong con số 26 đôi khi là cả một nỗ lực lớn của toàn cộng đồng. Nếu tại Nhật Bản có lễ hội búp bê Hani Matsuri, tiết Đoan Ngọ, lễ hội hoa anh đào… dành riêng cho trẻ con để gợi nhắc về tinh thần dân tộc. Thì ở Việt Nam lại rất ít những lễ hôi văn hoá chỉ dành riêng cho con trẻ. Khi không là nhân vật chính trong những hoạt động này, song song việc các lễ hội văn hoá ngày càng ít đi, vậy cơ hội để các bé tiếp xúc văn hoá dân gian trẻ phải chăng lại càng thu hẹp?
Xét trên khía cạnh giải trí hiện đại, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi rằng các em nhỏ ngày nay dễ dàng tương tác với các thiết bị điện tử, chơi game, xem truyện tranh, MV ca nhạc mỗi ngày. Nhưng có bao nhiêu nội dung được sản xuất liên quan đến văn hoá Việt Nam? Hãy nhìn vào thực trạng tại các nhà sách đã chỉ ra hầu hết truyện tranh dành cho trẻ em đều đến từ Disney. Và cứ mỗi 20 đầu sách văn học thiếu nhi nước ngoài mới tìm thấy một sách truyện thiếu nhi Việt Nam. Nền điện ảnh của nước ta cũng tràn ngập những sản phẩm xu hướng ngoại lai, trong khi các tác phẩm tôn vinh văn hoá dân tộc lại không được đầu tư thích đáng. Hay đơn giản nhìn qua công viên giải trí trước nhà, có ai nhận ra được đâu là trò chơi ô ăn quan, lò cò, nhảy dây? Liệu bây giờ còn bao nhiêu đứa trẻ biết cây cà kheo có hình dáng ra sao?
Để “gieo” tình yêu dân gian cho trẻ, người lớn chính là nơi bắt đầu
Vậy câu hỏi đặt ra rằng, liệu trẻ con không hề thích thú với văn hoá dân gian? Hay chính cách chúng ta truyền tải những giá trị cội nguồn chưa đủ hấp dẫn với các con?
Thử nhìn lại thành công của một số sản phẩm đậm chất dân gian gần đây như: bài hát “Bống Bống Bang Bang” không một đứa con nít nào không thuộc giai điệu, hay như MV “Bước Chân Cổ Tích” trở thành hit triệu view và đạt được hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội chỉ trong một tuần, và cả bộ sưu tập giày văn hoá dân gian của Biti’s trở thành sản phẩm các mẹ săn đón cho con hot nhất hè này. Tất cả khẳng định rằng những câu chuyện dân gian, các nhân vật cổ tích vẫn luôn quyến rũ, lôi cuốn với trẻ thơ như vốn dĩ.
Thế thì vấn đề chắc chắn ở những người lớn chúng ta. Phải chăng các bậc phụ huynh đang quá bận rộn để chỉ quăng cho con chiếc máy tính bảng, điện thoại; thay vì nằm kể con nghe về những câu chuyện dân gian? Phải chăng các đơn vị sản xuất, xuất bản đang chạy theo lợi nhuận, ăn theo các bộ phim bom tấn của Disney, Marvel, DC; thay vì đầu tư cho các nhân vật cổ tích đang dần xa lạ với các con nhỏ? Và phải chăng cả cộng đồng chúng ta đang chưa dành sự quan tâm thích đáng đến những giá trị cội nguồn? Thế thì, để “gieo” tình yêu văn hoá dân gian cho con trẻ, người lớn có chăng là nơi bắt đầu.