Văn Cao

Văn Cao| 30/10/2019 09:07

Ông họ Nguyễn, Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Quê gốc: xã Liên Ninh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Văn Cao

Li khách

Mắt sáng ngời lên như ánh dương
Rượu hồ da đỏ khách li hương
Thiên bôi đối ẩm nhìn qua ải
Quằn quại cờ bay trong gió sương.

Lắng nghe dòng máu ta đang sôi
Say nữa, say lên, tráng sĩ ơi!
Lòng thép vang rền xương gẫy rạn
Sa trường, than ơi là tơi bời!

Chuyện thê nhi? - Bẻ trâm vàng đi!
Khăn lụa người cho? - Lau máu đi!
Ảnh tặng? - Giấu vào trong ngực áo!
Trở về? - Không! Chỉ có ra đi

Xót đời lính thú không tên tuổi
Cả một nghìn thây đổi lấy thành
Nói đến cuộc đời còn chẳng tiếc
Tiếc gì nước mắt đón đưa anh!
1939
Có lúc

Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ

Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

Có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được
                                             1/1963

Đôi bạn 
Tặng Nguyễn

Chúng tôi hai người
Thường gặp nhau hàng ngày
Buổi sáng trên một cái bàn
Thuộc từng lớp bụi
Một căn phòng không bao giờ dọn dẹp
Những đồ vật càng cũ nát từng ngày
Chúng tôi nói như không nói
Im lặng nói nhiều hơn
Không ai nghe chuyện riêng của nhau
Mắt anh và mắt tôi
Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi
Như tơ nhện trong không gian đầy nước
Phủ các đồ vật cũ
Phủ lên cả chúng ta
Đến lúc không còn trông thấy nhau nữa

Chúng tôi hai người
Một bóng 
                                                  1967

Giấc mơ

Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao
Những vì sao đang kể chuyện
Giấc mơ của mái nhà
Giấc mơ của một người đang ngủ.
                             5/1/1972
Phố Phái

Tặng Bùi Xuân Phái

Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
Tôi gửi bài thơ về
Phố Phái
Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh

Một góc phố Hà Nội
Một góc phố Việt Nam
Trước khi Tây chiếm thành
Hà Nội
Một góc phố anh sống
Một góc phố tôi sống
Không người ở
Không số nhà

Một mình
Phố trắng
Một góc phố tồn tại
Vĩnh viễn.

Từ con mắt không ngủ
Từ bàn tay không nghỉ
Anh vẽ
Phố Phái

Đến lúc nào phố anh có người thêm 
                                1967

Quán bia

Họ đến đây đông lắm
Những người tìm đám đông
Vòm trời hẹp những chiếc dù xanh đỏ

Uống rỗng những thùng bia
Uống đến hết một ngày đang hết
Uống đến hết một năm sắp hết
Còn liếm môi

Họ thèm bia hay thèm uống
Thèm đám đông
Những đám đông người bên ngoài đi lại
Những đám đông trong nay đông đặc
Những đám đông những đám đông

Dưới những chiếc dù xanh đỏ
Những cốc bia sủi bọt
Vẫn liếm môi
                                                1967

Những bó hoa

Những bó hoa mang tới chúc tụng
Thành công một con người
Hàng ngày hàng ngày
Xây thành cái mồ chôn
Con người thành công ấy

Người ta đôi khi bị giết
bằng những bó hoa
17/3/1974

Những người trên cửa biển
Trích Trường ca

I. Ai biết Hải Phòng là đâu
1
Sinh ra tôi đã có Hải Phòng
Đầu nhà mới trồng cây mận
Bãi Sú bồi thành bến
Nhà máy xi măng đã dựng bên sông

Tôi nghe tiếng hát mẹ chiều ru võng
Những ca dao của đồng lúa quê hương
Những dáng cò lặn lội
Những cánh cò bồng bế tôi đi

Những bóng cò trắng như giấc mộng
Đưa võng đời tôi những buổi chiều dĩ vãng
Sáng trưa u ú còi tầm
Đêm dài nghe mưa dầm dãi
Tôi không có quê hương
Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam Phủ Lý
Như Nam Định
Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát
Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu.

Hải Phòng nhiều mây nhiều nước
Mênh mông bốn phía chân trời
Có mùa nhạn bay ra biển
Chim yến từ biển bay về
Lòng sông đất bồi ngày càng nhỏ
Bướm trắng rụng đầy ngọn sú ven sông
Không ai nhớ từ bao giờ
Giữa các ngả sông về biển
Ai đã lấp đầy những dòng sông bãi sú vô danh

Cồn đất lầy um tùm cây cỏ dại
Nổi lên thành một phố
Ngọn khói đùn lên sừng sững chân trời
Người dân thành phố
Mồ hôi còn nước mặn phù sa
Dầu mỡ bụi than
Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi
Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương
Che chở nắng mưa đỡ đần buổi gạo
Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão
Chưa quá ba đời, sống trong một xóm
Chưa đầy chục người chết trong một mái nhà thuê
Bạn bè quen thuộc
Các giống người
Từ chân trời bốn phương đi lại
Thuở nhỏ lòng tôi hướng mãi
Theo những con tàu biển ra đi
Đến những đất đai tưởng tượng
Những người anh thủy thủ kể cho nghe
Nơi mọc đêm đêm những ngôi sao biển
Rực rỡ chân trời những hạt lưu li
Tôi bơi như con cá dưới nước
Vẫn không bơi dài ra tới biển
Tôi theo những thuyền cá ra khơi
Vẫn chưa đi tới chân trời.
1956
Một đêm Hà Nội

Xa xa xa
Đêm đông tiếng còi tàu
Hà Nội càng thêm cũ
Gió cuối năm luồn vào phố hẹp
Ruột phố Hà Nội cũ
Nhớ một cánh buồm
Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng
Nhớ một điệu đàn
Vũng sao khuya sóng sánh.
11/1967
.....................................................................................
Thơ tuyển rút từ tập Văn Cao tác phẩm thơ, NXB Hội Nhà văn 2013
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Văn Cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO