Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến nhận định, chương trình lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng tinh giản, giảm những kiến thức mang tính chất hàn lâm, chú trọng đến việc hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh; chú trọng phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá, khuyến khích tự học, học chủ động, sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lại băn khoăn với quy định môn học lịch sử là môn lựa chọn, không phải là môn bắt buộc.
Đại biểu cho rằng, “Khi đưa lịch sử vào môn học tự chọn, có nghĩa là tất cả mọi người đều hiểu là có thể chọn và có thể không. Học sinh cảm thấy cần thiết thì chọn. Khi chúng ta đưa bộ môn lịch sử vào môn tự chọn tôi e rằng cách nhìn nhận đánh giá của học sinh và của xã hội về bộ môn lịch sử đã có sự khác nhau rồi. Nghĩa là không cần thiết thì thôi, nhưng giáo dục lịch sử không bao giờ là không cần thiết”.
Từ kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, đại biểu Hà Ánh Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng cần phải học cách kiểm tra đánh giá của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, thay vì “học thuộc lòng”, người ta hướng tới những yêu cầu cụ thể. Ví dụ như là nắm vững, sau đó thì giải thích, dự đoán này, tức là có thể phát huy năng lực của các em đa diện hơn thay vì chỉ “học thuộc lòng”. Các thầy cô dậy Sử thay đổi bằng infographic, đồ họa, hoạt hình hóa”.
Nhiều đại biểu trăn trở khi còn 3 tháng nữa môn Sử được đưa vào trường học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự thay đổi có kịp thời gian hay không? Đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: “Truyền thống lịch sử của dân tộc cũng như niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Dân ta phải biết sử ta. Đó là để giáo dục đạo đức lòng yêu nước đối với các thế hệ trẻ sau này còn nếu như mà để trường hợp mà chúng ta sẽ phải đặt ra nhiều tình huống, nhiều giả thiết. Có thể khi môn lịch sử trở thành môn tự chọn thì sẽ nảy sinh một vấn đề, đó là có khả năng cả một trường không có em học sinh nào học môn lịch sử. Tự chọn thì giao quyền cho người học, người học có quyền không chọn. Khi không học thì có nghĩa là có thể một trường không có em học sinh nào học, thì lúc đó dư luận xã hội cực kỳ nóng bỏng”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử một cách thấu đáo, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và có đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục, đào tạo./.