Người dân nên tạo thói quen khám da liễu định kỳ để tầm soát ung thư. |
Nguy cơ từ nốt ruồi, tàn nhang
Không ít người khi thấy trên cơ thể xuất hiện nốt ruồi, mụn trứng cá, tàn nhang, đốm sậm màu… thì chủ quan, xem nhẹ. Chỉ đến khi những vết đổi màu trên da lan rộng, di căn, họ mới đi khám và “tá hỏa” khi bị chẩn đoán mắc ung thư da. Dù đây là loại ung thư dễ phòng, dễ chữa với tỷ lệ sống cao nhưng hằng năm vẫn có nhiều người tử vong do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Cách đây hơn một năm, chị Nguyễn Thị X. (45 tuổi ở Hà Nội) thấy trên cánh tay xuất hiện một vết đốm sậm màu. Khi đó, chị cho rằng đây chỉ là một nốt ruồi trên da bình thường, không đáng lo ngại. Nhưng sau một thời gian, vết đốm cứ to dần và lan rộng khiến chị X. lo lắng và vội vàng đi khám. Qua nhiều xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương kết luận, chị X. bị ung thư da hắc tế bào, đã chuyển sang giai đoạn di căn.
Tương tự, khi thấy có vết loét tại “của quý”, anh Trần Đ.P. (44 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) vừa chủ quan, vừa xấu hổ nên đã không đi khám bệnh. Hậu quả, chỉ hơn một năm sau, vết loét lan rộng và sùi lên gây khó chịu. Sau đó, anh P. đã đến một số cơ sở y tế để khám và điều trị nhưng không có kết quả, thậm chí, có nơi còn “trả về”. Khi tới Bệnh viện Da liễu trung ương, phần dương vật của anh P. sùi lên trông như chiếc súp lơ. Tại đây, các bác sĩ kết luận, anh P. bị ung thư tế bào gai dương vật, đồng thời quyết định phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ “hoa súp lơ” để giữ tính mạng bệnh nhân…
Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, ung thư da có nhiều loại, trong đó có 3 loại chính hay gặp, đó là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai và ung thư da hắc tố. Nếu như cách đây hơn chục năm, mỗi năm chỉ có khoảng 30 bệnh nhân, thì hiện nay, mỗi tháng Bệnh viện Da liễu trung ương đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp mắc ung thư da.
“Ung thư da ban đầu xuất hiện chỉ từ các vết sần, đốm màu như: Nốt ruồi, tàn nhang, u cục, bướu ở vùng mặt… bé như đầu kim, không có dấu hiệu bệnh nên đa phần mọi người không để ý. Đến khi chúng to dần thành hạt đỗ, hạt lạc và không ngừng phát triển, người bệnh mới đi khám. Đáng tiếc, hầu hết các bệnh nhân khi phát hiện ung thư da đều ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn khiến quá trình điều trị, phẫu thuật, phục hồi khó khăn”, bác sĩ Phạm Cao Kiêm nói.
Bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng
Mỗi loại ung thư da có một biểu hiện khác nhau, trong đó 70% là ung thư tế bào đáy, 20% là ung thư tế bào gai, còn lại là ung thư hắc tố. Ngoài những yếu tố như: Gen di truyền, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng của hóa chất, nhiễm độc…, tác nhân gây ung thư da còn do ánh sáng mặt trời, tia cực tím. Bác sĩ Phạm Cao Kiêm cho rằng, khi da bị tổn thương, viêm nhiễm lâu ngày lại được tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, tia cực tím dễ dẫn đến nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi ung thư da hiện cao nhất trong tất cả loại ung thư. Thậm chí, tại bệnh viện đã có nhiều trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc khám da liễu được tiến hành thường xuyên, 6 tháng/lần để sớm phát hiện bệnh. Nhưng tại Việt Nam, người dân chưa có thói quen này. Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, cách phát hiện ung thư sớm nhất là người dân nên tạo thói quen khám bệnh định kỳ. Việc phát hiện sớm khi bệnh ung thư chưa có triệu chứng để tiên lượng tốt. Riêng với ung thư da, khi trên da xuất hiện vết đốm sậm màu đặc biệt, hoặc vết loét lâu liền thì cần đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ xét nghiệm tế bào học để xem khối u ác hay lành tính.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phạm Cao Kiêm, khi thấy trên da, thân mình xuất hiện u cục, loét, sờ thấy cứng, hoặc có thay đổi sắc tố da thì phải đi khám chuyên khoa. Riêng với ung thư hắc tố có thể nhận biết qua thay đổi trên bề mặt da. Nếu là nốt ruồi, tàn nhang bình thường sẽ có một màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều trên da. Thế nhưng, khi thấy trên da xuất hiện nốt ruồi khác màu, khác hình dạng, chỗ màu đậm, chỗ màu nhạt thì nguy cơ ung thư rất cao.
Bên cạnh đó, những người làm việc thường phải tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ, tia cực tím, ánh nắng cần phải có biện pháp bảo vệ như: Đeo găng, đi ủng, quần áo bảo hộ, kính, mặt nạ… Hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 10h sáng đến 2h chiều. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngoài phương tiện chống nắng nên dùng kem chống nắng. Mặt khác, thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ và điều trị kịp thời khi có triệu chứng viêm nhiễm trên da.