Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết quý IV-2017, số người có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm là hơn 215.000 người, chiếm tỷ lệ 4,12% trong tổng số người thuộc nhóm có trình độ này; tới quý IV-2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 2,57%, tương ứng với hơn 135.000 nghìn người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng thất nghiệp là kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp. Công tác dự báo chưa được thực hiện bài bản trên quy mô rộng nên đào tạo còn vênh ở mức độ nhất định so với nhu cầu thị trường lao động, chưa đáp ứng tốt sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo trên thị trường lao động.
Để khắc phục tình trạng này, năm học 2019-2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học, trong đó chú trọng công tác quản lý chất lượng “đầu ra”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Tính đến ngày 30-6-2019, cả nước đã có 121 cơ sở giáo dục đại học và 3 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, chiếm 51% tổng số các trường đại học, học viện trên cả nước.
Cả nước hiện có 237 cơ sở giáo dục đại học với quy mô hơn 1,7 triệu sinh viên.