Áp lực lên tỷ giá được dự báo sẽ giảm bớt trong năm 2019. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng là: Chỉ số USD tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2-2018. Về yếu tố trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ lạm phát, song lại được hỗ trợ tích cực từ cân đối cung - cầu ngoại tệ.
Bước sang năm 2019, cơ quan này cho rằng, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Chẳng hạn, khả năng giá USD sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Cũng có cái nhìn tương tự, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 2018 và triển vọng 2019, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, nhiều khả năng tỷ giá VND/USD sẽ chỉ biến động nhẹ trong năm 2019, ở mức quanh 2%.
Sở dĩ công ty này đưa ra dự báo như vậy bởi quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra theo lộ trình tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD song không đáng quan ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh khá nhiều. Bên cạnh đó, USD nhiều khả năng đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 khi nền kinh tế Mỹ đã tạo đỉnh tăng trưởng trong năm 2018 (với dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 2,3%) khiến Fed sẽ phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá (63,5 tỷ USD), khi NHNN đã kịp thời mua vào 11 tỷ USD trong năm 2018, tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá. Nhiều khả năng dự trữ ngoại hối sẽ tăng nhẹ vào cuối năm 2019 khi xu hướng trên vẫn tiếp diễn.
“Vì vậy, trong năm 2019, NHNN hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn nhờ nguồn cung USD dồi dào và cân đối vĩ mô ổn định”, đại diện MBS nhấn mạnh.
Chưa kể, NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được NHNN thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Ngoài ra, Việt Nam có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay là đặc điểm khác biệt so với năm 2015 và giai đoạn 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh). Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. Dự báo, cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm 2019 nhờ xuất khẩu vẫn tăng trưởng, Việt Nam hấp dẫn được nhiều vốn FDI và dòng kiều hối ổn định.
Năm 2019, mặc dù Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, BVSC dự báo áp lực đối với VND trong năm nay không nhiều như năm 2018.