Tuyên án 7 - 8 năm tù đối với các bị cáo trong vụ án ''cà phê pin''

Tin, ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)| 30/12/2018 17:17

Chiều 28-12, sau một ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ trộn lõi pin vào phế phẩm cà phê tổng cộng 36 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm về quy định an toàn thực phẩm” theo điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuyên án 7 - 8 năm tù đối với các bị cáo trong vụ án ''cà phê pin''
Các bị cáo tại tòa.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở trộn tạp chất cà phê với nước pha bột pin lĩnh án 7 năm 6 tháng tù; Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo Dung (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) 7 năm tù; Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tịnh Thơ (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) 7 năm tù; Nguyễn Xuân Bảo, người trực tiếp phối trộn tạp chất vào phế phẩm cà phê bị tuyên mức nặng nhất là 8 năm tù; Trần Ngưỡng, người giao hỗn hợp tạp chất lĩnh án 7 năm tù.

Trước đó, cả 5 bị cáo này đều bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị từ 7 - 10 năm tù. Khi nói lời cuối cùng trước tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi của các bị cáo vi phạm nghiêm trọng những quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu nông sản, nhất là mặt hàng hồ tiêu.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, thông qua việc kinh doanh mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thảo Dung ở Bình Phước) quen biết với Lê Thị Hồng Thơ (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tịnh Thơ tại tỉnh Đắk Nông).

Khoảng giữa năm 2015, Thơ biết một đối tượng mua bán tạp chất trộn vào hạt tiêu để bán và đưa mẫu tạp chất cho Dung xem. Sau đó, cả hai tìm người làm tạp chất. Dung trả tiền vận chuyển trực tiếp cho lái xe, tiền mua tạp chất trả cho Thơ và Thơ được hưởng chênh lệch 1.000 đồng/kg.

Thơ liên hệ với Loan đặt mua 3 tấn tạp chất. Sau đó, Loan lấy vỏ cà phê lẫn sỏi đá nhỏ được sàn, quạt ra từ 1 lô hàng cà phê vỡ có lẫn vỏ, rồi tưới nước, ủ một thời gian khi tạp chất chuyển sang màu đen, phơi khô đóng bao thuê xe tải chở đến giao cho Thơ.

Để tránh bị phát hiện, Thơ tiếp tục vận chuyển sang xe tải khác chở đến giao cho Dung. Sau đó, Dung đem trộn tạp chất này vào hạt tiêu khô đã mua được của người dân rồi bán ra thị trường. Thấy lợi nhuận cao, Dung tiếp tục nhờ Thơ mua tạp chất của Loan trộn vào hạt tiêu để bán theo hợp đồng với một số bạn hàng.

Đến khoảng tháng 9-2015, Bảo và Loan cùng làm hàng tạp chất bán cho Thơ. Trong quá trình mua bán, Dung trả lại cho Thơ một số chuyến hàng vì tạp chất không đạt màu sắc với tiêu hạt khô.

Sau đó Loan và Bảo đi mua pin Con ó về, đập ra lấy bột pin cho vào thùng nước pha trộn đem tưới lên tạp chất. Tạp chất vào máy trộn bê tông quay trộn đều, đưa ra lò sấy khô tạp chất đúng theo yêu cầu của Dung.

Đến ngày 15-4-2018, Dung biết Loan và Bảo bị cơ quan điều tra phát hiện nên Dung gọi em chồng đem hơn 9 tấn tạp chất trên chở ra rẫy cao su trộn với lân, vôi và phân heo ủ làm phân bón.

Tại kho còn khoảng 4 tấn hạt tiêu đã trộn với tạp chất, Dung cho trộn thêm vào khoảng 5 tấn hạt tiêu để bán, dự kiến giao hàng vào ngày 23-4-2018. Tuy nhiên, ngày 22-4-2018, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước tạm giữ Dung cùng 9 tấn hạt tiêu trộn tạp chất nói trên.

Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng gần 82%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua) với hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%.

Vụ phế phẩm cà phê trộn cát sỏi, lõi pin là một vụ việc nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau khi vụ việc bị phát hiện vào tháng 4-2018, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc và điều tra làm rõ. Việc xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan là việc làm cần thiết, đảm bảo sự nghiêm minh và tính răn đe của pháp luật.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tuyên án 7 - 8 năm tù đối với các bị cáo trong vụ án ''cà phê pin''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO