Từng được dùng làm thức ăn cho lợn, giờ trở thành thứ nhà giàu săn tìm

Theo Huy Nguyễn (Theo BI) (Dân Việt)| 09/09/2019 09:02

Trứng cá muối Caviar là một trong những thực phẩm đắt nhất, được coi là “vàng đen” thế giới.

 Được bán với giá lên tới 35.000 USD (hơn 800 triệu đồng) mỗi kg, nó được giới quý tộc trên toàn cầu săn tìm và thưởng thức. Tuy nhiên, trứng cá muối không phải lúc nào cũng có giá trị. Vào thế kỷ 19, các loài cá tầm ở Mỹ rất phổ biến đến nỗi, có món ăn làm từ cá này được cung cấp miễn phí cho các quán rượu. Ở châu Âu, ngư dân sử dụng trứng cá muối để làm thức ăn cho lợn, thậm chí là vứt đầy bở biển để mặc ôi thiu. Tại sao giá trị của món ăn này lại thay đổi?

Caviar là một loại trứng cá muối từ loài cá tầm có mặt ở nhiều vùng biển trên thế giới. Và cá tầm được đánh bắt ở những khu vực khác nhau sẽ cho ra những hương vị đặc biệt khác nhau. Trong đó, trứng cá Beluga ở khu vực phía nam nước Nga sẽ là loại trứng cá đắt nhất. Ngoài ra, trứng cá Ossetra và Sevruga cũng đắt đỏ không kém.

Từng được dùng làm thức ăn cho lợn, giờ trở thành thứ nhà giàu săn tìm - 1

Trứng cá tầm Beluga ở bờ biển Caspi được coi là “kim cương đen”. Nguồn: BI.

Một hộp Caviar 100gr trung bình sẽ có giá khoảng 300 euro (hơn 8 triệu đồng). Tuy nhiên, có khi trứng cá Caviar quý giá lên đến 8.000 - 9.000 USD/kg (180 triệu - 200 triệu đồng). Thậm chí, loại trứng của cá tầm Beluga ở bờ biển Caspi (Nga) được ví như "kim cương đen" có giá lên đến 40.000 euro/kg (hơn 1 tỷ đồng).

Cá tầm có thể nặng tới vài nghìn kg và tạo ra hàng trăm kg trứng mỗi lần. Kỷ lục thế giới thuộc về một con cá tầm beluga nặng 1.143 kg và mang lại 410 kg trứng. Hiện nay, con cá này được rao bán với giá 500.000 USD (gần 12 tỷ đồng).

Tuy nhiên, cá tầm đang chết dần chết mòn vì con người thu hoạch quá mức khiến số lượng cá tầm bị sụt giảm nghiêm trọng và phá hủy môi trường sống của chúng. Năm 2010, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa 18 loài cá tầm vào Danh sách đỏ các loài bị đe dọa, khiến cá tầm trở thành nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên Trái đất.

Từ năm 2011, việc khai thác cá tầm hoang dã trở thành việc bất hợp pháp tại rất nhiều nước trên thế giới. Nhưng đây cũng chính là cơ hội làm giàu cho rất nhiều người nông dân phát triển công việc nuôi trồng và thu hoạch trứng cá tầm. Vào thời điểm năm 2004, chỉ có sáu trang trại nuôi trồng cá tầm trên thế giới và chỉ có hai trang trại sản xuất trứng cá muối trên thế giới. Tính đến năm 2019, đã có hơn 2.000 trang trại nuôi và thu hoạch trứng cá tầm.

Một trang trại ở Trung Quốc được gọi là Nữ hoàng Kaluga sản xuất 35% trứng cá tầm của thế giới. Trứng cá được thu hoạch với kỹ thuật cổ điển của Nga và Iran - giết cá và sau đó lấy trứng ra. Các trang trại khác đang khám phá một kỹ thuật khác, không phải giết chết những con cá. Nó được gọi là stripping.

Với phương pháp này, những con cá cái được tiêm một loại hormone kích thích ham muốn giải phóng trứng. Rất nhiều người nông dân đã làm điều này trong nhiều năm nhưng không phải vì mục đích thu hoạch trứng mà để sản xuất được nhiều cá hơn. Mãi đến gần đây, người ta mới bắt đầu áp dụng phương pháp này vào sản xuất và kinh doanh trứng muối.

Điểm sáng lớn nhất của phương pháp này là những con cá vẫn còn sống. Phương pháp này có tác động rất nhỏ đến những con cá vì quá trình diễn ra rất nhanh. Cá được lấy ra khỏi nước và đặt vào khu vực đặc biệt. Sau khi tiêm hormone, tất cả những gì cần làm là ấn vào bụng, xoa bóp bụng và trứng cá muối sẽ chảy ra khỏi cá.

Ý tưởng đằng sau phương pháp này là một điều đáng khen ngợi, nhưng nó vẫn chưa bắt kịp nhu cầu trên thế giới. Tuy nhiên, điều này mang lại cho quần thể cá tầm hoang dã một cơ hội để phục hồi, mọi kết quả xảy ra phần lớn tùy thuộc vào chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Từng được dùng làm thức ăn cho lợn, giờ trở thành thứ nhà giàu săn tìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO