1.Tục xin con dâu về nhà chồng
Theo lệ hôn nhân ở Tân Hội, việc kết hôn được tiến hành qua ba bước:
Bước 1: Lệ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ nộp cheo.
Bước 2: Lệ dẫn cưới, lễ cưới và lễ xin dâu.
Bước 3: Lễ lại mặt và lễ xin con dâu về nhà chồng.
Lễ xin con dâu về nhà chồng diễn ra sau khi cưới ít nhất là một mùa vụ, hoặc một năm, có đám tới hai năm. Khi chưa có lễ xin về thì cô dâu vẫn ở nhà mẹ đẻ. Bữa nào nhà chồng có công việc như (cấy, gặt, giỗ chạp, lễ tết, cải cát, làm nhà…) thì bố mẹ chồng (thường là mẹ chồng) sang nói với thông gia cho con gái về nhà chồng ít ngày (không cần lễ lạt gì). Xong công việc, cô dâu lại xin phép bố mẹ chồng cho về nhà bố mẹ đẻ. Đến khi nào thấy chín mùi (như hai con đã khôn lớn, kinh tế đã ổn định sau khi cưới con…) thì nhà trai chọn ngày lành tháng tốt sang nói với nhà gái định ngày xin con dâu về. Đúng ngày đã định, nhà trai tiến lễ sang nhà gái. Lễ xin con dâu về thường là: Một con gà trống hoặc một thủ lợn, 10 quả cau, 10 lá trầu, 2 lạng chè, 2 lít rượu, 5kg gạo nếp (tùy khả năng có thể gia giảm số lượng và vật phẩm). Người đi nói chuyện và đi dẫn lễ xin dâu về thường là ông chú bà bác, ông cậu bà dì chú rể. Nhà gái nhận lễ và hẹn giờ trong ngày hôm đó (vì lễ xin dâu thường diễn ra vào buổi sáng) cho con gái về nhà chồng. Từ đấy con dâu mới ở hẳn nhà chồng, việc sang nhà mẹ đẻ chỉ là thi thoảng.
Nét xưa ở làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng
Ngày nay cô dâu về nhà chồng ngay sau khi lễ cưới chứ không còn ở nhà mẹ đẻ như xưa, nhưng vẫn phải có lễ xin về. Lễ đó được các bà cô, bà bác chú rể dẫn sang nhà gái ngay sau khi kết thúc cuộc đưa đón dâu rể. Và, cô dâu sau khi xin phép bố mẹ chồng về nhà mẹ đẻ để tiễn bạn bè, thì phải trở về nhà chồng ngay trong ngày cưới (thường là chồng sang đón về).
2. Tục lo cỗ hậu sự ngay khi còn sống
Theo quan niệm của các cụ ngày xưa thì sống là “gửi” thác là “về” (sinh ký, tử quy). Như vậy là thời gian sống gửi là ngắn ngủi, là có hạn, tạm bợ, còn thời gian thác về là vô hạn, là vĩnh viễn. Do vậy phải chuẩn bị cho cuộc “trở về” này thật chu đáo, đàng hoàng. Hành trang của các cụ trong chuyến viễn du này có nhiều, nhưng quan trọng nhất là cỗ hậu sự (cỗ quan tài). Bởi vậy các cụ phải lo cỗ hậu sự ngay từ lúc sống. Để có cỗ hậu sự thật ưng ý thì việc đầu tiên phải làm là chọn gỗ cho tốt (nhà giầu thì chọn gỗ chò chỉ, vàng tâm... Nhà nghèo thì chọn gỗ dàng dàng, gỗ sâng…). Có một số nhà sau khi chọn được gỗ thì kê sáu tấm ở dưới gầm bàn thờ, khi nào các cụ hấp hối mới đem đóng ván. Song đa số các gia đình chọn được gỗ rồi thì thuê thợ đóng ngay quan tài, sơn, trang trí cẩn thận. Quan tài đóng xong các cụ thường để ở gần giường thờ, kê kích, che chắn cẩn thận. Có một số cụ lại để quan tài vào trong buồng, cạnh giường nằm.
Ngày nay, do kinh tế phát triển, các cửa hàng quan tài có nhiều nên tục này ở làng không còn nữa.
3. Tục làm ma khô và ma sống
Ngày xưa, làm ma không chỉ để báo hiếu cha mẹ, người đã khuất, mà còn chủ yếu để trả nợ miệng. Vì thế những nhà nghèo, khi bố mẹ chết, không đủ sức làm ma tươi (tức là làm ma khi người vừa chết) thì phải làm ma khô (tức là làm ma sau khi người chết đã mồ yên mả đẹp). Thời gian làm ma khô vào lúc nào tùy thuộc vào khả năng của gia chủ nhưng thường là sau 100 ngày hay sau giỗ đầu, thậm chí có người làm sau khi đã hết trở. Khi tiến hành làm ma khô phải được phe giáp và Hội đồng ký mục cho phép ở hạng nào (Thượng lệ, Trung lệ hay Hạ lệ) thì mới được tiến hành làm ma. Trong đám ma, ngoài việc làm lễ cúng vong, tang chủ phải sửa thịt lợn và xôi chia theo đầu đinh cho dân làng (Thượng lệ: 1,5 kg thịt một đầu đinh, Trung lệ: 1kg thịt/ đinh, Hạ lệ: 0,5 kg thịt/ đinh).
Với những người không có con trai, chắc sợ gia chủ không trả được nợ miệng khi người đã chết, nên buộc phải làm ma người đó ngay khi còn sống. Người đứng ra làm ma sống phải chọn thời điểm thích hợp (có đủ khả năng về kinh tế, nhân gia đình có giỗ chạp gì đó, khi thời tiết tốt…). Còn mọi thủ tục tiến hành làm ma sống cũng giống như làm ma khô nói trên.
Hủ tục trên đây hiện nay đã được làng xóa bỏ.
4. Tục gái đóng giả trai trong Hội hát Chèo tàu
Hội hát Chèo tàu là lễ hội độc nhất vô nhị, chỉ có ở Tân Hội, huyện Đan Phượng. Nét độc đáo đó còn thể hiện ở chỗ: tất cả các quá trình của lễ hội chỉ có phụ nữ tham gia. Điều đó nghĩa là có những nhân vật, những hoạt động phải do gái đóng giả trai. Đó là các nhân vật: Quản tượng và lính dẫn đường…
Hát Chèo tàu là hội hát dân gian gắn liền với lễ hội mùa xuân. Hội diễn ra chủ yếu ở trên thuyền và voi. Thuyền của lễ hội hát Chèo tàu là thuyền rồng bằng gỗ dài bốn mét, rộng hai mét, cao một mét, đáy có bốn bánh xe, trang trí rất đẹp. Trong thuyền có 13 người: một chủ tàu, hai cái tàu và mười con tàu (cả nhi phường). Hai thôn Thúy Hội và Thượng Hội mỗi thôn làm một thuyền. Hai thôn Vĩnh Kỳ và Phan Long mỗi thôn làm một con voi đan bằng tre cật, có cốt vững chắc, cao 1m97 và dài 3m, đặt trên giá gỗ có bốn bánh xe. Voi được trang trí như voi thật, trên đầu cắm cờ, lọng… Mỗi voi có hai quản tượng (quản tiền và quản hậu). Ngoài ra, mỗi thôn còn có một bà mẹ Chiêu Quân lo việc hậu cần và một lính dẫn đường cầm loa điều khiển. Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, từ rước đến tế lễ và hát, các thành viên của lễ hội (từ chúa tàu, con tàu, cái tàu, quản tượng đến mẹ Chiêu Quân, lính dẫn đường) đều tiến hành theo đúng nghi thức. Nhìn bên ngoài không có ai có thể biết trong lễ hội có những thành viên do nữ đóng giả nam.
Tục này vẫn còn duy trì cho đến nay.
5. Tục ném quân
Đó là trò chơi được diễn ra vào mùa xuân, trong hoặc sau lễ hội. Người tham gia là các thanh niên trai tráng giữa các thôn trong một xã (như Thúy Hội với Thượng Hội, Vĩnh Kỳ với Phan Long) hoặc hai xã liền kề (như Thúy Hội và Thượng Hội của xã Tân Hội với Ngọc Kiệu và Đan Hội của xã Tân Lập, Thúy Hội và Vĩnh Kỳ của xã Tân Hội với Trúng Đích và xóm Lẻ của xã Hạ Mỗ). Địa điểm diễn ra cuộc ném quân là khu đồng đất rộng xen kẽ có gò và mả cao như khu đồng Dinh làng Thượng Hội, khu Mả Chùa làng Phan Long, khu cầu Lang làng Thúy Hội.
Bắt đầu vào trận, đội quân đôi bên đứng dàn hàng ngang, cách nhau chừng 50 – 100m. Khi hiệu lệnh phát ra, đội quân hai bên bắt đầu ném nhau. Vũ khí để đôi bên tấn công là đất cứng, mảnh sành, mảnh gạch… Thời gian diễn ra mỗi trận là 30 phút. Khi đôi bên đã mệt và hết “vũ khí” thì thu quân về. Trận đánh thứ hai lại tiếp tục sau 15 phút nghỉ. “Cuộc chiến” sẽ kết thúc sau một tiếng rưỡi đến hai tiếng. Trong quá trình ném khó tránh khỏi có người bị sây sát và tất yếu phải có bên thắng, bên thua. Nhưng người thắng không đuổi đánh người thua đến trọng thương, bên được không đánh bên thua đến đường cùng, khi bên thua rút lui vào làng thì thôi. Và điều đặc biệt là sau trận đánh, bên thắng cũng như bên thua, khi gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, không hề có chuyện thù hận, hiềm khích, chia rẽ nhau.
Trò chơi thể hiện rõ tinh thần thượng võ, ý thức rèn luyện thân thể, trau dồi võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương của người dân Tân Hội. Đó là một phẩm chất rất đáng trân trọng. (Tục này hiện vẫn còn tồn tại ở một số xã trong huyện Đan Phượng như Tân Lập, Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Đan Phượng).
Quách Duy Bịch (sưu tầm)
Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ, 2016