Phú Mỹ là một làng cổ có lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước. Trước đây, Phú Mỹ có sáu xóm - cùng mang những tên cổ kính, đó là: Xuân Cốc, Nhân Mạch, Mỹ Úc, Trung Lập, Cẩn Đình, Yên Cương. Nay thêm một điểm dân cư mới: xóm Phú Thịnh. Phú Mỹ là một trong hai thôn thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai.
Từ xưa đến nay Phú Mỹ vẫn duy trì một lệ tục là: Tôn trọng và đề cao các cụ ông cao tuổi nhất làng nếu có “Hội Bát trụ” hay còn gọi là “Hội Bát tiên” luôn có đủ tám cụ ông nhiều tuổi nhất, kế tiếp nhau chịu trách nhiệm mọi công việc của làng.
Về nguồn gốc hình thành “Hội Bát trụ - Bát tiên” làng Phú Mỹ được truyền lại như sau:
Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, làng Phú Mỹ thường bị bọn cướp đến quấy phá. Dân làng đã tổ chức mai phục nhiều lần và cuối cùng giết được tên tướng cướp, khiêng ra bỏ ở Cầu Dân. Khi xác chết thối, có người đi qua đồng phát hiện ra trình báo quan. Quan cho kiểm tra và lệnh rằng: Xác chết nằm ở đất làng nào thì làng đó phải chôn. Vì Cầu Dân thuộc Phú Mỹ, nên dân làng Phú Mỹ phải tuân lệnh quan mà chôn cất xác tên cướp tại đồng làng. Sau đó con cái của tên tướng cướp kéo quân đến Phú Mỹ, đòi thi hài bố và dọa: nếu không trả thì sẽ báo thù. Dân làng đã họp bàn và cử tám cụ cao tuổi ra thương thuyết với bọn cướp. Toàn dân thống nhất rằng: Nếu các cụ bị bọn cướp giết hại thì cả làng sẽ cùng làm giỗ để ghi nhớ công ơn. Tuy nhiên, sau khi thi hài tên tướng cướp được trả lại, thì tám cụ được thả về. Các cụ được dân làng kính trọng, mời tham dự và có ý kiến quyết định trong mọi công việc. Từ đó “Hội Bát trụ - Bát tiên” (chiếu tám cụ thượng) được hình thành và duy trì cho đến nay. Đạo đức của những cụ tham gia “Hội Bát trụ - Bát tiên” luôn được dân làng tôn vinh.
Lễ vào hội rất đơn giản: Chỉ cần có một buồng cau và một chai rượu, dẫn cúng ở đình để bẩm báo Thành hoàng và dân làng được biết. Tuy nhiên, ngày xưa do tuổi thọ bình quân thấp, nên có thời kỳ những cụ mới trên 60 tuổi cũng có thể tham gia vào chiếu tám cụ thượng. Khi tuổi thọ bình quân cao dần lên thì số cụ tham gia chiếu tám cụ thượng cũng cao tuổi hơn.
Gặp trường hợp bất thường, khi trong Hội khuyết một cụ nào đó, nhưng có tới 2 - 3 cụ cùng ở tuổi được cử, trong đó có cụ là thứ dân, có cụ là Chức dịch thì làng chọn cử cụ là thứ dân lên thay. Điều này nói lên sự tôn trọng, đề cao người bình dân của làng Phú Mỹ.
Được chọn cử, suy tôn vào “Hội Bát trụ - Bát tiên” khi ra đình làng, trong kỳ đám lệ hoặc trong các ngày sóc, vọng (mồng một và rằm hàng tháng), các cụ được ngồi ở vị trí cao trọng nhất; biểu thị ý thức trọng sỉ (trọng người cao tuổi) của dân làng. Khi “bàn bạc việc làng, lo toan việc nước”, tiếng nói của các cụ luôn có vai trò và ảnh hưởng rất lớn, gần như là quyết định trong những quyết sách cuối cùng. Về phần mình, các cụ cũng luôn luôn tuân thủ phép nước và lệ làng mà quyết định những công việc đúng với luật pháp và phù hợp với tâm tư nguyện vọng, lợi ích của dân làng.
Giờ đây, mặc dù đã có chính quyền xã, thôn, mặt trận lo liệu và bàn bạc mọi công việc của dân làng, nhưng “Hội Bát trụ - Bát tiên” ở Phú Mỹ vẫn được duy trì; vai trò, vị trí của tám cụ thượng vẫn được đề cao ở chốn đình trung và trong sinh hoạt cộng đồng.
Đỗ Thế Gia sưu tầm
(Theo Tục hay lệ lạ Thăng Long – Hà Nội, NXb Phụ nữ, năm 2016)