Ngày cuối năm âm lịch chuẩn bị đón năm mới, ngoài việc sửa sang nhà cửa cho đẹp đẽ, trang trí tranh treo Tết, trồng cây nêu, sắm sửa các vật dụng và thực phẩm… cho ngày Tết, mọi người, mọi nhà ở làng Tạ Xá (nay là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) còn có tục lệ gánh nước giếng đổ bể đêm giao thừa.
Xưa kia ở làng quê đều dùng nước giếng đất công cộng làm nước ăn. Gánh nước giếng về ăn uống hàng ngày là chuyện bình thường nhưng gánh nước giếng về đúng đêm giao thừa là việc vô cùng quan trọng. Từ tối đã có người đi gánh nước giếng. Thời điểm lúc gần giao thừa số người đi gánh nước giếng càng đông, càng nhộn nhịp, càng nô nức như đi hội. Mọi nhà đều đồng loạt đi gánh nước về đổ vào bể, nhà chưa có bể thì đổ vào chum, vào vại sao cho đầy. Cả làng có một cái giếng đất, đến lúc đông thì phải chờ nhau, đợi nhau. Nhiều người có kinh nghiệm thì tranh thủ gánh từ những hôm trước đổ vào bể đến mức gần đầy, đến lúc gần giao thừa thì nhanh chân đi gánh tiếp, nên bể nhanh đầy. Nhà nào cũng cố gánh sao để đến giờ sang canh thì bể nước nhà mình đầy tràn trề là vừa ý, là vui mừng, thỏa mãn. Bởi vì, theo tục lệ xưa thì bể nước tràn trề đón năm mới là tâm niệm cầu mong năm mới phát đạt, của cải về nhà mình “nhiều như nước”.
Cao Xuân Quếsưu tầm