Tục đánh hổ đêm hội Giã La làng, La Nội

24/05/2017 08:00

Đêm hội Giã La là đêm hội cuối cùng của hai làng La Nội, Ỷ La nay là làng La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông TP. Hà Nội) được mở đại đám năm năm một lần từ ngày mồng sáu đến hết ngày 14 tháng giêng tại đình làng.

Đây là lễ hội tưởng niệm Lạc tướng Đương Cảnh Công thời vua Hùng thứ XVIII, có công diệt trừ hổ dữ để cứu dân làng trong vùng. Khi hóa, Ngài được tôn thờ làm Thành hoàng làng. Hội làng La Cả nổi tiếng từ xưa vì vào đêm giã hội có tục đánh hổ - dân gian gọi là đánh biệt, để tưởng nhớ chiến công xưa của đức Thành hoàng.

Đến nay tại quán còn lưu được bản “La Nội, Ỷ La nhị xã lưu truyền khu hổ lang tích” (Sự tích săn hổ, lưu truyền ở hai xã La Nội và Ỷ La), bằng chữ Nôm chép năm Long Đức thứ 3 (1754). Văn bản ghi rõ các nghi thức của cuộc săn hổ. Theo đó, chiều tối ngày 14, sau cuộc tế giã, một cánh rừng giả được dựng lên ở gian giữa, ngay dưới gầm ban thờ ở hậu cung để hổ dữ nấp trong đó. Người đóng vai hổ đội lốt “hổ lang vàng mép” thửa công phu như thật. Cùng ở trong rừng còn có bốn người đóng vai chim kêu, vượn hót, nai tác, gà gáy, làm cho khu rừng trở nên âm u, vang vọng như thật. Trước cửa rừng ở gian giữa, các quan viên mặc quần áo đen thắt lưng xanh, cầm côn sẵn sàng múa võ. Ở mép tiếp giáp gian giữa với hai gian bên có hai người cầm cờ đuôi nheo chỉ huy đoàn thợ săn. Lực lượng chính của đoàn thợ săn cầm đuốc, cầm giáo mác đứng chờ ở ngoài đại bái. Sát cửa rừng về hai phía có hai người xướng trò, bên trái là nam giới, bên phải là nữ giới. Trước cửa lớn gian giữa là nơi dành cho nhà trò múa hát. Dân làng đứng xem chật cứng trong đình và xung quanh đình trên đường hổ chạy.

Trình tự cuộc đánh hổ như sau: 

Màn thứ nhất: 

Hát chúc Thánh do các ca nữ giáo phường ca trù Đồng Trữ trình bày, tiếp theo là các điệu múa tiến lộc, múa lọ, múa trượng.

Màn thứ hai: 

Đèn nến trong đình phụt tắt chỉ còn ánh sáng ngoài sân đình hắt vào lờ mờ. Từ trong cánh rừng vang lên tiếng gà gáy chim kêu.

Bên nam dõng dạc xướng:

Ơi đồ lũ chúng ta

Đi săn đón đường

Đón thánh giá hoàn cung

Đón lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ

Đồ lũ chúng ta

Hãy vây tứ vi đình

Khứ hồi đình trung

Vừa dứt lời, đoàn săn với hàng chục cây đuốc thắp sáng từ nhà bái đường chạy ra sân, đến cổng đình rẽ về tay trái, vòng quanh đình một lượt theo chiều ngược kim đồng hồ. Đuốc rực cháy, tiếng hò reo, đoàn thợ săn lại vào nhà bái đường chờ lệnh.

Tiếp đó, bên nữ hỏi: 

Bên chú đi săn đến đâu? Có thấy chi chăng?

Bên nam đáp: 

Bên chú đi săn đến mả Thiền quan

Nào thấy chi đâu

Thấy một cái chim, là cái chim chích

Thấy một cái chích, là cái chích chim

Đón lấy quan cao lộc vị về cho hai chạ

Hà đường xa về, hà đường xa về!

Vừa dứt lời, từ trong rừng lại nổi lên tiếng chim thú… và đoàn thợ săn lại cầm đuốc, nổi trống mõ chạy quanh đình như trước rồi trở về đình.

Bên nữ hỏi:

Bên cháu đi săn ở đâu

Có thấy chi chăng?

Bên nam đáp:

Bên cháu đi săn đến mả Thiền quan

Nào thấy chi đâu

Thấy một cái ốc, là cái ốc bươu

Thấy một cái bươu, là cái bươu ốc

Đón lấy quan cao lộc vị về cho hai chạ

Hà đường xa về, hà đường xa về!

Tiếng muông thú lại nổi lên. Và đoàn thợ săn lại chạy vây quanh đình một vòng rồi quay về đình như trước.
Lần thứ ba, đến lượt bên nam hỏi:

Bên trường đi săn đến đâu?

Có thấy chi chăng?

Đáp rằng:

Bên trường đi săn đến mả Thiền quan

Nào thấy chi đâu

Thấy một cái hổ, hổ lang vàng mép.

Nó làm ủ ê, phiền não

Nó làm sầu ủ ruộng dâu

Giúp người dùng sức

Bắt cho kỳ được cái hổ lang vàng mép

Rước lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ

Hà đường xa ra về, hà đường xa ra về!

Màn thứ ba: Đả hổ lang (Đánh hổ)

Bên nam xướng:

Đồ lũ chúng ta

Nam thì cho mạnh, khí giới cho bền

Lưới thay ống nỏ

Bắt cho kỳ được cái hổ lang vàng mép

Lột da, lót ngai cho đức vua ngồi

Lấy nanh làm cán dao cho đức vua cầm

Lấy thịt nấu canh cho đức vua ăn

Lấy xương làm am sơn kiệu cho đức vua ngự

Đón lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ

Màn thứ tư: Uy hùng đả hổ (Oai hùng diệt hổ lang).

Sau lời xướng của người nam giới cầm trò “Bên chú đánh nhất cấp, bên cháu đánh nhất cấp, bên trường đánh nhất cấp” hổ dữ từ trong rừng lao ra. Các quan viên làm động tác đánh nhau với hổ. Tiếng chiêng, trống, mõ, tù và nổi lên dồn dập. Hổ dữ bị trọng thương, vọt khỏi cung ra ngoài. Đoàn săn đuổi theo. Tiếng hò reo vang dậy. Nhưng lần này, nó chạy đến “cống đá cửa đình” thì gục xuống. Theo lệ, người đóng vai hổ, trút bỏ lốt hổ, rồi chạy một mạch về nhà, không được ngoái đầu lại, lên giường nằm thở dốc, như vừa qua khỏi một cuộc vật lộn thực sự. Trong khi đó, mọi người dự hội thi nhau xô vào dẫm, giằng xé lốt hổ để biểu thị sự trừng phạt, đồng thời, lấy được một mảnh lốt để “làm khước”.

Sau hàng giờ diễn ra cảnh “đánh biệt” căng thẳng và hấp dẫn, đèn nến trong đình lại bừng sáng. Đoàn thợ săn trở vào cung dọn sạch cánh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội bằng các lời ca chúc Thánh, múa bông, mừng thắng lợi.

Đến 4 giờ sáng, đám rước về tới đình, cất long đình và kiệu Ông, hai kiệu Bà vào cung. Kết thúc kỳ hội mà chắc chắn, có một lần theo dõi trọn vẹn nó mọi người mới thấy được vì sao mà từ xưa tục đánh hổ hội Giã La đã nổi tiếng với câu ca lưu truyền trong vùng:

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy

Vui thì vậy, chẳng tầy Giã La. 

Yên Giangsưu tầm
(Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ 2016)
(0) Bình luận
  • Đề án sân khấu học đường bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh Thủ đô
    Đây là đánh giá của bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết Đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (sau đây gọi là Đề án sân khấu học đường), giai đoạn thí điểm 2022-2024. Hội nghị diễn ra sáng 8/4 tại Nhà hát kịch Hà Nội.
  • Tuổi trẻ Thủ đô tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    “Thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới là nhiệm vụ trọng tâm”, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ trong bài tham luận tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình số 06-CTr/TU).
  • Hà Nội: Hiện thực hóa mục tiêu khu du lịch Hồng Vân thành “Miền quê đáng sống”
    Chia sẻ tại Hội nghị khu vực của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Toàn cầu năm 2025 cho các thành viên tại Việt Nam do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) cho biết, địa phương và Thành phố đã, đang quyết tâm xây dựng, phát triển khu du lịch Hồng Vân trở thành “Miền quê đáng sống”.
  • Văn hóa và con người trở thành 1 trong 5 trụ cột trong những triết lý phát triển Thủ đô
    Ngày 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06 ) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì và phát biểu tổng kết chỉ đạo tại hội nghị.
  • Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
    Sáng 28/3, tại hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", 60 tập thể và cá nhân được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
  • Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 06
    Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII. Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm Chương trình là: (1) Phát triển văn hóa; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tục đánh hổ đêm hội Giã La làng, La Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO