Tục bó mo và cướp bông ở làng Sơn Đồng

26/09/2017 11:13

Sơn Đồng có hai thôn là thôn Nội, thôn Ngoại, nay là xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức. Đình làng thờ Đông Nhạc giáng Thần (Thần núi) và Vương Thanh Cao - bộ tướng của Đinh Bộ Lĩnh. Hội làng mở tại đình từ ngày mồng năm đến hết ngày mồng sáu tháng hai âm lịch. Tục bó mo và cướp bông không liên quan gì đến thần tích các vị Thành hoàng làng mà là ánh xạ đặc biệt của tín ngưỡng phồn thực từ xa xưa còn hồi quang đến nay, do vậy hai lễ tục ở hội làng Sơn Đồng trở nên độc đáo và quý hiếm.

Tục bó mo

Đây chính là tục thi làm bánh giầy.

Cả làng tất bật nhộn nhịp làm bánh từ suốt mồng bốn, mồng năm tháng Giêng hàng năm. Mỗi nhà đều làm bánh để đãi khách. Mỗi xóm đều làm bánh để dự thi. Ban khánh tiết của làng làm bánh để tiếp quan anh quan em và làm phần thưởng. Để bánh trắng thơm phải chọn từng hạt gạo nếp, gạo nếp lại phải chọn giống nếp quýt hoa vàng. Rồi làng phải chọn cử những bà nội trợ có tài ngâm gạo đồ xôi, sao cho xôi dẻo mà không nát, xuê mà không rắn.

Tục bó mo và cướp bông ở làng Sơn Đồng
Rước kiệu bánh dầy vào đình dự thi.

Giã xôi không giã bằng cối mà phải giã bằng mẹt. Mặt mẹt được xoa mỡ với lòng đỏ trứng gà để khỏi dính. Chày giã dài nửa sải tay, đầu bọc bằng mo cau. “Bó mo” chính là chỉ việc làm này. Nhưng không phải dùng nguyên chiếc mo cau, mà phải tước phần lụa ở lòng mo ra thành từng nan rồi đan thành phên kín sau mới bó vào đầu chày, thít chặt bằng lạt giang. Với cách bọc này, chày giã được lâu mà mo không bị rách. Mo cau bọc lấy đầu chày, gợi nhắc ta liên tưởng đến tín ngưỡng phồn thực của người Việt xa xưa.

Sẽ có nhiều chuyện để củng cố liên tưởng ấy. Đó là khi nặn bánh, người ta chia ra, một nửa để nặn thành những chiếc bánh giầy tròn (không có nhân) cỡ như miệng chén hoạc quả cà bát. Cứ hai cái kẹp thành một cặp. Nửa kia, nặn thành những chiếc bánh giầy cuốn cỡ như chuôi liềm ngoài bọc lá chuối, giữa có nhân đậu xanh rang nghiền nhỏ trộn mật. Một bộ bánh gồm đúng một cặp giầy tròn và một chiếc bánh giầy cuốn. Dân gian gọi tắt là bánh giầy và bánh cuốn.

Tục bó mo và cướp bông ở làng Sơn Đồng
Mâm bánh dày dự thi được sắp xếp và trang trí rất đẹp.

Cả làng có mười xóm, mỗi xóm rước một kiệu bánh lên đình dự thi. Kiệu gồm một mâm bồng hình khối tròn, mặt rộng như chiếc mâm đồng, bốn góc có gắn bốn chân gỗ chạm đầu rồng và hai đòn khiêng cũng chạm đầu rồng. Tất cả đều sơn son thếp vàng tinh xảo vì nghề sơn vốn là nghề nổi tiếng ở đây.

Việc xếp bánh lên mâm đồng cũng theo một trật tự riêng có ẩn ý.Trước tiên người ta úp lên giữa mâm một chiếc giá mới để làm cốt. Tiếp đó các bánh cuốn được xếp dựng đứng quanh thân giá. Cứ xếp vòng tròn cho đến hết. Sau đó lần lượt từng cặp bánh giầy được xếp kín mặt mâm cao dần và thu vòng nhỏ dần cho đến khi phủ kín bánh cuốn tạo thành một mâm bánh đầy đặn, hấp dẫn. Cách xếp ấy phải chăng là mô phỏng sự tích giao âm dương?

Mỗi kiệu bánh hết khoảng mười ca gạo. Mỗi mâm bánh lại được đậy bằng một chiếc lồng tròn cao như chiếc áo cối xay, khung bằng tre bọc bằng giấy, bằng lụa, trang trí đủ hoa tua, các hình vẽ, tranh cắt giấy long, ly, quy, phượng đủ mầu sắc. Người ta không chỉ chấm bánh mà còn chấm thi cả lồng úp đó. Cho nên xóm nào cũng tìm cách tạo nên chiếc lồng úp đẹp nhất. Sáng sớm mồng sáu, cuộc rước bánh được bắt đầu từ các xóm. Chân kiệu là bốn nam thanh niên mình mặc áo nâu, đầu chít khăn đỏ. Mỗi kiệu lại có một chiếc lọng che. Kiệu thôn Nội tập kết ở điếm Gạch. Kiệu thôn Ngoại tập kết ở từ vũ. Từ hai điểm ấy, đoàn kiệu được rước về hợp quân ở Sân Nghê Đình Hát. Sau khi chỉnh đốn lại quân ngũ cờ quạt, trống kèn, đoàn rước qua cổng chính tiến vào đình và chia thành hai hàng đặt kiệu dưới mái che lớn của tấm bình đính bằng vải đỏ nẹp tua vàng trên khuân sân rộng trước nhà tiền tế.

Ban giám khảo cuộc thi gồm bốn ông chủ tế thay mặt cho bốn giáp, các ông đều phải bao khẩu bằng khăn đỏ. Họ kiểm tra cân nhắc và so sánh từng chi tiết rất cẩn trọng và công bằng. Cuộc chấm thi công khai trước cả dân làng mình và rất đông thiên hạ đến dự hội nên càng không thể mờ ám. Kẻ được người thua tất cả đều rất hân hoan. Kiệu bánh nào đạt giải Nhất được rước vào đặt cúng trước cửa cung. Đấy là phần thưởng tinh thần lớn nhất. Phần thưởng hiện vật chỉ là tượng trưng: một bộ bánh gồm một cặp bánh giầy và một bánh cuốn mà thôi.

Cuộc rước bánh và thi bánh diễn ra hết buổi sáng mồng sáu. Hội chỉ còn lại một buổi chiều xuân ngắn ngủi. Nhưng nếu ai về nửa chừng sẽ chẳng bao giờ được hưởng những phút bột phát nhất của tâm thế người đi hội khi mà họ chưa chứng kiến hoặc tham gia hội cướp bông sẽ diễn ra sau tuần tế giã, khi mặt trời vừa chếch bóng.
Tục cướp bông

Cây bông là một đoạn tre đực tươi dài khoảng năm đốt. Cây tre được chọn phải đủ ngọn, đủ lá, thân thẳng, không kiến, không muội, da xanh óng. Cây tre ấy lại phải ở giữa khóm. Khóm tre ấy lại phải là của một gia đình phúc đức, hòa thuận không có đại tang. Phải kiếm tìm, thăm dò từ trước hàng tháng mới có được một cây tre như thế. Gia đình được chọn tre thường sẵn lòng cung tiến. Đoạn tre được cạo sạch tinh. Từ giữa hai ống tre, người ta tước ập vào bọc lấy xung quanh mấu thành một đám bông tre xù tròn lên, rồi nhuộm phẩm ngũ sắc. Các ống tre được dán khoanh bằng những băng giấy cũng đủ màu. Không còn nhận ra đoạn tre tươi nữa. Khi cây bông được rước lên thờ trên hương án, đã trở thành vật linh thiêng. Thêm một lần nữa vật thiêng kia lại khẳng định thêm sự liên tưởng đã có.

Tục bó mo và cướp bông ở làng Sơn Đồng
Cây bông được làm từ một đoạn tre dài được coi là vật thiêng trong lễ hội làng Sơn Đồng.

Người được giao việc tung cây bông trước thềm đình vào chiều mồng sáu thường chọn trong số các cô đào nương của gánh hát ca trù. Trước khi tung bông, cô đào tung những viên xôi ra tứ phía. Khi đã tung hết hai mâm bồng xôi nhỏ lấy từ bàn thờ Thánh, cô đào nâng cây bông lên, nói dăm ba câu luật lệ, múa vài đường, đoạn tung cây bông lên trời. Cuộc cướp bông, giằng bông bắt đầu. Từ xưa vẫn truyền rằng ai cướp được cây bông sẽ sinh con trai. Chính vì thế cánh đàn ông trong làng ngoài xã thường rình chờ phút này hơn ai hết. Những người mẹ lại hy vọng giật được một túm bông mang về đeo vào cổ cho con trẻ lấy khước. Chính vì niềm tin đó mà cuộc cướp bông diễn ra rất quyết liệt. Để giành được cây bông, đám đàn ông thường tổ chức thành từng bè, từng cánh theo địa bàn cư trú hoạc dòng tộc. Mỗi bè cánh ấy thường ưu tiên, tạo thời cơ cho một người trong hội làm bàn.

Cuộc cướp bông có năm diễn ra từ chiều cho đến rạng sáng. Có lúc cả mấy chục lực điền quần đảo nhau, giằng giật nhau lội ào xuống cả ao chuôm, vượt qua cả rặng rào gai góc. Tục cũng truyền rằng, năm nào cướp bông càng vui thì năm ấy càng được mùa no đủ.

Cuối cùng người cướp được bông sẽ phải làm lễ tạ ở đình. Cây bông được đặt trên bàn thờ nhà mình.

Cây bông trong hội làng Sơn Đồng cũng như cây bông trong tục cướp bông ở một số hội làng khác dưới mắt các nhà nghiên cứu văn hóa là biểu tượng cho sinh thực khí nam giới trong tín ngưỡng phồn thực vậy.

Ở Sơn Đồng có truyền câu ca cổ: 
Sơn Đồng có tục bó mo
Bánh giầy bánh cuốn đãi cho bạn bè

Yên Giang(sưu tầm)
Theo “Tục hay, lệ lạ Thăng Long – Hà Nội”, NXB Phụ nữ, 2016
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tục bó mo và cướp bông ở làng Sơn Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO