Côn Đảo sở hữu quần thể cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ thống động thực vật rừng và biển đa dạng, phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hào hùng. Nhiều năm trở lại đây, Côn Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn với không chỉ du khách trong nước mà cả ngoài nước nhờ nhiều lần lọt top các bảng xếp hạng quốc tế như: “top 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh” được bình chọn bởi tạp chí du lịch Lonely Planet, “một trong những hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh” bởi tạp chí du lịch Travel and Leisure.
Trong những năm trở lại đây, Côn Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách không chỉ trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua sân bay Côn Đảo vượt tốc độ dự báo với mức tăng trung bình mỗi năm hơn 20% trở lên. Trong năm 2019, các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn huyện Côn Đảo đã đón gần 400.000 lượt khách du lịch, tăng 31% kế hoạch; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 12% kế hoạch.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng cao trong năm 2019 là nhờ phương tiện vận chuyển hàng không đưa khách du lịch đi lại giữa đảo với đất liền nhiều hơn so với mọi năm.
Nút thắt du lịch Côn Đảo
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phong, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhưng du lịch Côn Đảo cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, lớn nhất vẫn là bài toán về cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển, trong đó có giao thông đường thủy và đường hàng không, trong đó nổi cộm là yêu cầu về nâng cấp sân bay Côn Đảo trước thực trạng sân bay này ngày càng quá tải.
Sân bay Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng vào thế kỷ 19. Sân bay đi vào hoạt động từ năm 2004, do là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2 nên sân bay này chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay nhỏ, tầm ngắn như ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm.
Hiện nay, sân bay chỉ đang khai thác chặng bay TP HCM/Cần Thơ – Côn Đảo bằng máy bay ATR-72 của Vasco. Ngoài ra, đường bay Vũng Tàu - Côn Đảo do Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam khai thác với tần suất 3-4 chuyến/tuần, nhưng chi phí cao, chủ yếu phục vụ du lịch cao cấp.
Thực trạng độc quyền khai thác hiện tại dẫn đến việc hạn chế số lượng chuyến bay và hành khách tiếp cận được Côn Đảo, tình trạng khan hiếm chuyến bay thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong mùa cao điểm, dẫn tới việc giá vé thường xuyên "đội cao", vô hình chung là chướng ngại đối với một bộ phận lớn du khách trong và ngoài nước mong muốn có cơ hội du lịch Côn Đảo.
Xã hội hóa các nguồn lực
Nhận thấy các vướng mắc trên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Côn Đảo, chính quyền địa phương đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó tiếp tục xúc tiến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là nâng cấp sân bay Côn Đảo. Cụ thể, đầu tháng 7.2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Chính quyền địa phương và Cục Hàng không Việt Nam đã có kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảođể đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch ngày càng tăng của hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đang hoàn thiện quy hoạch sân bay Côn Đảo tới năm 2030 để phù hợp việc đầu tư, nâng cấp xây dựng sân bay cấp 4C theo hướng bảo đảm khai thác tàu bay mới với tải trọng lớn hơn rất nhiều.
Mới đây, Tập đoàn FLC cũng đã đề nghị chủ trương tài trợ lắp đặt hệ thống đèn đêm tại Sân bay Côn Đảo, dự kiến triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm 2020 nếu chủ trương được phê duyệt.
Nếu đề xuất này của Tập đoàn FLC được thông qua, thời lượng khai thác tại Sân bay sẽ gia tăng đáng kể so với mức 12 tiếng/ngày hiện tại. Cụ thể, một ngày có khoảng 8-10 chuyến bay từ TP.HCM/ Cần Thơ ra Côn Đảo, mỗi chuyến bay vận chuyển được khoảng 66-68 hành khách (khoảng 650 hành khách/ngày) cùng 2 tiếp viên.
Rõ ràng, nếu được trang bị hệ thống đèn đêm, số chuyến bay và lượt khách vận chuyển trong ngày sẽ được tăng lên đáng kể. Việc khai thác các chuyến bay về đêm đồng thời giúp giãn chuyến, giảm tình trạng quá tải vào ban ngày, không chỉ tại sân bay Côn Đảo, mà cả ở các sân bay kết nối tại tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. HCM...
Từ 1/8, Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ đưa vào khai thác nhiều đường bay kết nối các tỉnh, thành miền Bắc, Trung, Nam với Côn Đảo, mang đến thêm nhiều lựa chọn du lịch Côn Đảo cho khách hàng bằng những đường bay thẳng giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí di chuyển cùng dịch vụ định hướng 5 sao.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Côn Đảo khi các doanh nghiệp tâm huyết thể hiện mong muốn góp sức phát triển du lịch Côn Đảo thay vì ngồi đợi “cơ chế”. Tinh thần chủ động này phù hợp với xu hướng “xã hội hóa các nguồn lực” trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đang được khuyến khích, hứa hẹn tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy và phát huy các tiềm năng du lịch giúp Côn Đảo phát triển bền vững.