Tự hào cùng ký ức “Tiến về Hà Nội”

NSƯT Như Bình| 07/10/2022 05:15

Ngay sau khi đại hội mừng công Sư đoàn 308 được tổ chức vào tháng 8/1954, tại xã Tỉn Keo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên kết thúc, Đoàn văn công nhân dân Trung ương nhận lệnh chuẩn bị chương trình vào tiếp quản Thủ đô.

Tự hào cùng ký ức  “Tiến về Hà Nội”
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chúng tôi lại hành quân về Nông Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tập luyện chương trình “Tiến về Hà Nội” để chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được thực hiện bởi các nghệ sĩ Đoàn văn công nhân dân Trung ương cùng sự phối hợp của nhóm múa Tây Bắc, gồm có diễn viên Ma Quang Hạ, Hà Thị Nghệ, Đinh Thị Éo, Lò Thị Nìn, Lò Thị Uôn, Đinh Chanh, Lường Văn Tiến, những hạt nhân văn nghệ này làm tăng thêm nét độc đáo của các dân tộc Tây Bắc.
Sau gần một tháng chuẩn bị, đoàn lên thuyền xuôi dòng về ngã ba Việt Trì, từ đó hành quân bằng “đi chân trần” về Thường Tín, Hà Đông để củng cố sắp xếp chương trình và may sắm trang phục biểu diễn cũng như đồng phục cho tất cả thành viên. Trang phục biểu diễn được may bằng vải kaki, may theo kiểu đại cán, có 4 túi, cổ cao.
Tự hào cùng ký ức  “Tiến về Hà Nội”
Các nghệ sĩ biểu diễn màn “Trảy hội” rút từ vở ca kịch: “Chị Tấm anh Điền” của 3 tác giả: Thế Lữ, Lưu Quang Thuận và Hàn Thế Du. Ảnh tư liệu

Chương trình “Tiến về Hà Nội” được dàn dựng khá quy mô, đồ sộ, ngoài hợp xướng còn có đơn ca, tốp ca, múa và trích đoạn màn “Trảy hội” trong vở ca kịch: “Chị Tấm anh Điền”. Trong đó, toàn đoàn tham gia màn hợp xướng, bà Thái Thị Liên chỉ huy bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đinh Thi và bài “Đông Nam Á châu” của Lưu Hữu Phước. Về bài “Người Hà Nội” có nhiều chương đoạn, tuy khó nhưng anh chị em hào hứng, không thể hát unison (đồng đều) mà phải hát bè vì sự phối hợp của 4 bè sẽ tạo nên âm thanh ấm mà khỏe, nổi lên phần hồn, sức sống của bài ca. Sang bài “Đông Nam Á châu” thì thanh bình, dạt dào niềm tin hy vọng của các dân tộc Đông Nam Á hướng tới chung sống hòa bình, cùng sát vai bên nhau tạo nên một vùng đất hòa thuận gắn bó bên nhau đi lên xây dựng đời mới từ Indonesia, đến Malaysia rồi Philipin, Singapore, Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Bruney, Việt Nam xiết chặt tay gìn giữ hòa bình. 
Tự hào cùng ký ức  “Tiến về Hà Nội”
Tưng bừng múa sạp trong chương trình chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội. Ảnh tư liệu

Ngoài ra còn có một số bài hát khác như “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Quê tôi giải phóng” của Văn Chung do nhạc sĩ Trọng Bằng dàn dựng chỉ huy. Một trong những bài ca đậm tính dân gian, chan chứa tình gắn bó quân dân là bài hát “Bộ đội về làng” (thơ Hoàng Trung Thông, nhạc Lê Yên) cũng được biểu diễn trong chương trình này. Bài hát được ca sĩ Thương Huyền thể hiện - giọng hát cao vút mà bay bổng, ấm áp truyền cảm, sâu lắng đã thu hút con tim người thưởng thức: 
“Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
… các anh đi đến bao giờ trở lại
Xóm làng tôi, trai gái vẫn chờ mong”
Trong chương trình chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội không thể thiếu những tác phẩm múa đặc sắc, đem đến cho người xem biết bao hồi hộp, hào hứng đến ngỡ ngàng. Đó là múa “Trống ngũ lôi” - màn múa rút ra từ nghệ thuật chèo cổ, tạo không khí tưng bừng rộn ràng “cờ dong, trống mở”. Nghệ sĩ Hoàng Châu vừa là tác giả vừa là người múa chính, ra giữa sân khấu ông gióng lên hồi trống rền vang rồi vẫy nhóm múa trống con chạy đàn, nhón chân lên: 4 chàng trai múa trống con do Phan Hồ, Thanh Đính, Bùi Đức Hạnh và Phạm Gia Thọ còn 2 chú bé múa chũm chọe là Mạnh Hùng và Như Bình. Tiếp theo 2 diễn viên trẻ tuổi cầm chũm chọe đập nhẹ vào nhau mà lướt chạy theo nhóm trống con rộn ràng sôi động. 
Điệu múa “Tây Bắc tươi vui” cũng của tác giả Hoàng Châu, âm nhạc Lưu Hữu Phước diễn tả những cô gái Thái trên tay phải cầm chiếc quạt còn tay trái nâng khăn lụa đỏ do Phùng Nhạn, Lệ Cung, Nguyễn Thị Bích, Ngọc Lan, Thanh Thúy, Tuệ Minh, Minh Dần, Hà Thị Nghệ, Lò Thị Nìn, Lò Thị Uốn biểu diễn. “Tây Bắc tươi vui” ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, mùa xuân lại đến, nhân dân đón chào một cuộc đời tự do no ấm. Tác giả Hoàng Châu đã dùng ngôn ngữ múa dân tộc Thái, với những bước đi nhẹ nhàng, lướt trên nhà sàn để rồi vung khăn, xòe quạt tượng trưng cho đàn bướm đón mùa xuân của cuộc đời làm cho đất trời rạng rỡ sắc hoa tràn ngập bản làng. 
Tự hào cùng ký ức  “Tiến về Hà Nội”
Điệu múa “Tây Bắc tươi vui” (tác giả Hoàng Châu) biểu diễn trong chương trình “Tiến về Hà Nội”. Ảnh tư liệu

Tiết mục “Múa vui sản xuất” của tác giả Hoàng Kiều dựa trên làn điệu dân ca chèo, các thiếu nữ mặc áo tứ thân khoác trên vai tấm lụa dài màu đỏ. Đôi tay của các cô nâng 2 đầu dải lụa, bước đi kiễng chân chạy xoay vòng tròn rồi có lúc từng cặp nâng tay trái, chụm vào nhau còn tay phải cuộn rồi vung lên lướt ngang vai nghiêng người như cánh quạt gió thổi bay những hạt lúa lép, trông nhẹ nhàng mà vui mắt. Điệu múa được khán giả hào hứng đón nhận với những tràng pháo tay giòn giã nhất là khi được thưởng thức những cử chỉ, động tác đẹp mắt thể hiện ý lúa đã được phơi khô để đưa vào bồ chuyển vào kho.
Còn điệu “Múa nón đồng bằng”, đây là điệu múa đã được biểu diễn ở festival thanh niên sinh viên toàn thế giới lần thứ IV năm 1953 ở Bucarest - Rumani. Điệu múa khi đó chỉ có 4 người, do Hoàng Châu, Thái Ly, Thương Huyền và một cán bộ đoàn thanh niên tỉnh Thái Nguyên tham gia biểu diễn. Trang phục của nữ là tà áo dài quần trắng, còn nam mặc bộ áo cánh nâu, trên tay mỗi người cầm một cái nón, thể hiện nét duyên dáng của thiếu nữ Việt Nam. Nhưng lần này điệu múa lên tới 8 người, nữ có Phùng Nhạn, Lệ Cung, Nguyễn Thị Bích, Minh Dần; còn nam có Phan Hồ, Thanh Đính, Bùi Đức Hạnh, Phạm Gia Thọ. Điệu múa không ồn ào sôi động nhưng cũng gây được cái duyên dáng hồn nhiên trong giao lưu của lứa đôi đậm đà tình tứ, họ nghiêng chiếc nón, nhìn nhau trong thầm yêu vụng nhớ làm cho khán giả thấy hấp dẫn mà trong sáng lành mạnh. Âm nhạc của Lưu Hữu Phước cũng góp phần tô thắm cái duyên trong “Múa nón đồng bằng”.
Một trong những tiết mục hấp dẫn trong chương trình chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội là màn “Trảy hội” rút từ vở ca kịch: “Chị Tấm anh Điền” của 3 tác giả: Thế Lữ, Lưu Quang Thuận và Hàn Thế Du. Màn múa đậm đà chất chèo diễn tả khung cảnh ngày mở hội để thử hài, qua đó tìm người đẹp đưa về cung vua, chọn cô dâu cho hoàng tử. Màn trích đoạn hài hước, hóm hỉnh, chứa chan tính nhân văn và đạo lý: Ở hiền gặp lành, cái thiện thắng cái ác, nhưng lại đậm đà chất dân gian, đã để lại ấn tượng đặc biệt cho khán giả dự lễ chào đón sự ra mắt của Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội.
Đặc biệt bài hát “Tiến về Hà Nội” dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Trọng Bằng được vang lên khi kết thúc chương trình nghệ thuật đầy xúc cảm ấn tượng. Tất cả diễn viên tràn ra sân khấu hào hứng hát vang; tốp nam, nữ múa cầm cờ Tổ quốc, vung mũ lưới, tay nâng hoa lại được hàng chục thiếu nữ Thủ đô, các bà mẹ tóc đã bạc trắng cùng bước lên sân khấu tặng hoa tươi thắm, rực rỡ muôn màu cho những người con thân yêu, nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng.
Bài hát “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1949, lúc cục diện chiến tranh giữa Việt Minh và thực dân Pháp đang ở giai đoạn cuối của cầm cự, chuẩn bị sang tổng phản công, thế mà nhạc sĩ đã hình dung ra ngày chiến thắng để rồi:
“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố”
Không chỉ vậy, nhạc sĩ đã phác họa toàn cảnh tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu hòa quyện niềm tin tất thắng đầy hào khí trong câu hát:
“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh”
Đó chính là tài năng kết tinh bởi lòng yêu nước cháy bỏng của người sáng tác, người chỉ huy và người biểu diễn vì tuổi trẻ của họ những công dân của Thủ đô đã dũng cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc để có “9 năm làm một Điện Biên…”. Họ đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng những lời ca, giai điệu thắm máu đào căng tràn nhiệt huyết của lòng yêu dân tộc, họ đã tắm mình trong bom đạn lửa khói để tạo nên chương trình bất hủ sống mãi với non sông với Thủ đô yêu dấu.
Khép lại chương trình “Tiến về Hà Nội”, các đồng chí Vương Thừa Vũ và Trần Duy Hưng lên cảm ơn tặng hoa cho đoàn, khán giả hưởng ứng nhiệt tình yêu thương và cảm ơn  các nghệ sĩ, biểu diễn xuất sắc. Sau đó đồng chí Vương Thừa Vũ cùng bác sĩ Trần Duy Hưng mời lãnh đạo đoàn ra chào khán giả, ở đó có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, đạo diễn Thế Lữ, biên kịch Học Phi và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng ca sĩ Thương Huyền, ông Hàn Thế Du, ông Lưu Quang Thuận bước ra sân khấu trong rừng cờ hoa và âm thanh vang mãi: 
“Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành dường như gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca!”
Tự hào cùng ký ức  “Tiến về Hà Nội”
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu TTXVN
 Chiều 10/10/1954, lúc đó cả Đoàn văn công nhân dân Trung ương đang ở khu doanh trại Đồn Thủy, ngày nay là phố Phạm Ngũ Lão, vào hồi 15 giờ, lãnh đạo báo cho toàn đoàn họp để đón anh Lành (Ban Tuyên huấn, tên thật là Tố Hữu) đến thăm đoàn từ chiến khu mới về Hà Nội.
Anh Lành thăm hỏi sức khỏe của các cụ Cả Tam, Dịu Hương, Năm Ngũ và toàn đoàn, sau đó anh Lành dặn dò và giao nhiệm vụ cho đoàn: “Chương trình biểu diễn chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội là sự kiện quan trọng, bởi sự chờ mong của nhân dân Hà Nội cùng với ủy ban quốc tế giám sát cuộc rút lui của quân đội Pháp và sự tiếp quản điều hành của Chính phủ ta. Ngoài Ba Lan còn có đoàn Ấn Độ (trung lập) phái đoàn Canada và một số phóng viên báo đài phương Tây, trong số đó cũng có những người chưa hiểu, chưa tin văn hóa nghệ thuật của chúng ta, họ chỉ tin về những chiến công trong chiến đấu. Tuy nhiên, đại đa số công chúng và quan khách có mặt ở Nhà hát Lớn ủng hộ, mong chờ buổi biểu diễn sẽ hấp dẫn, thu hút người xem, cho nên anh chị em chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, đừng để sơ suất dù nhỏ nhất, điều cần thiết đó chính là tự tin tập trung cho chương trình có chất lượng, xuất sắc. Thay mặt Trung ương, chúc các bác, các anh chị em biểu diễn thành công trong tư thế tự hào”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Tự hào cùng ký ức “Tiến về Hà Nội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO