Truyện Kiều ở Đức: Kỳ IV Truyện Kiều trong lòng các bạn Đức

Trần Đương| 05/11/2020 16:35

Năm 1964 có hai sự kiện liên quan diễn ra tại Berlin: Nhà xuất bản Rütten và Loening ấn hành tác phẩm Truyện Kiều do ông bà Faber dịch, và tháng 12 năm đó, Hội đồng Hòa bình thế giới ban hành quyết nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Năm đó, tôi không có mặt ở Berlin, nhưng sau này, sang làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, tôi đã được đọc các tin bài về hai sự kiện nói trên trong các phòng lưu trữ của Thông tấn xã ADN, của báo Nước Đức mới, các thư viện quốc gia và thủ đô Berlin. Đặc biệt, Cục lưu trữ của Trung ương Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức có cả một tập dày, ghim đầy đủ các bản tin về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Điều đó nói lên rằng, Truyện Kiều và tác giả của nó được các bạn Đức nồng nhiệt quan tâm. Lời giới thiệu của Giáo sư, Tiến sĩ Johann Dieckmann, khi đó là Chủ tịch Quốc hội CHDC Đức, in trên giấy rời kèm theo bản dịch Truyện Kiều được trình bày rất trang trọng.

Chủ tịch J.Dieckmann viết: “Với Truyện Kiều, độc giả Đức được giới thiệu một tác phẩm thuộc nền văn hóa thế giới mà đến thời điểm này hãy còn xa lạ: trước mắt họ là cả một tài sản mang đậm tính nhân đạo, sự đẹp đẽ thuộc tầm cỡ lớn lao trong di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Đắm mình vào tác phẩm này, chúng ta hãy nhìn thật sâu vào tâm hồn của dân tộc Việt Nam dũng cảm - một dân tộc gắn bó với chúng ta trong tình hữu nghị, một dân tộc đã trải qua cuộc chiến đấu anh hùng chống ách ngoại xâm của thực dân Pháp và giờ đây đang bắt tay vào công việc làm sạch mảnh đất của tổ quốc mình khỏi ách áp bức trong nước và nước ngoài.

Công việc dịch thuật là một sự sáng tạo mới, một hoạt động thi ca mới. Với bản dịch này, điều đó được đo bằng cả một kích thước đặc biệt.

Lời giới thiệu bản dịch lưu ý bạn đọc một điều là: biết bao sự cần cù, biết bao sự nỗ lực đã đòi hỏi các dịch giả trong quá trình thực hiện công việc của mình. Các bạn đọc đầy nhiệt tình và đầy sự thông cảm sẽ bày tỏ lòng cảm ơn đối với họ”.

Ngay sau khi bản dịch phát hành, đông đủ các tầng lớp nhân dân xếp hàng dài trước các quầy sách để mua. Khi đến thăm nhà những người bạn Đức thân thiết, tôi thấy hầu như nhà nào cũng có một bản Truyện Kiều trong tủ sách của mình, được đặt ở vị trí quan trọng của ngăn “Văn học thế giới” hoặc xếp cạnh tác phẩm “Faust” nổi tiếng của đại thi hào Johann Wolfgang Goethe. Nhiều tờ báo và tạp chí trích đăng những chương mà họ tâm đắc nhất, kèm theo là những bức minh họa đặc sắc, kể cả những bức họa của các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm về cảnh Kim Trọng nghe Thúy Kiều đánh đàn.

Tạp chí Văn học Đức mới mùa hè 1965 dành hai trang lớn (khổ 30 × 50cm) giới thiệu bài viết của học giả G.Boudarel về nội dung Truyện Kiều, trong đó ca ngợi tài năng và đức độ của Nguyễn Du với tít “Từ ngòi bút của một vị đại diện triều đình”, trích đăng toàn bộ chương nói về Thúy Kiều và Từ Hải.

Tờ thông tin Người thủ thư, số 6, tháng 6/1965, ca ngợi “tính nhân đạo sâu sắc của Truyện Kiều, được diễn đạt với một nghệ thuật kỳ diệu đến ngạc nhiên: những vần thơ uyển chuyển, giàu nhạc tính, những hình tượng thi ca vô cùng sống động và đằm thắm”. Bài báo viết tiếp: “Chỉ trong một số câu thơ súc tích mà thể hiện biết bao cảm xúc, ý nghĩ và cả sự thông thái của một dân tộc!”. Tác giả so sánh tài năng thi ca của Nguyễn Du với J.W.Goethe về cả hai phương diện: tài năng nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo - qua đó hình ảnh con người được ca ngợi với những phẩm chất cao quí nhất.

Báo Tiến lên ở thành phố Basel, số ra ngày 20/1/1966, cho rằng: “Truyện Kiều là bản trường ca về một mối tình vượt qua biết bao đau khổ nhưng không thể bị dập vùi”. Tờ báo bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với các dịch giả và nhà xuất bản đã cống hiến cho bạn đọc một tuyệt tác văn học qua bản dịch xuất sắc, đầy công phu trong việc chuyển ngữ một bản trường ca giàu hình ảnh và nhạc điệu.

Một số tờ báo ở cả hai miền Đông và Tây Đức trân trọng giới thiệu các hồi ức của ông bà Faber về các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã từng giới thiệu với họ một cách khái quát về nền văn học cổ điển Việt Nam và “gieo mầm” trong lòng họ ý định cũng như nghị lực trong việc chuyển ngữ một tác phẩm vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Và bản dịch ấy, không phải là thông qua một bản dịch của châu Âu nào khác, mà bằng sự dày công học hỏi ngôn ngữ và đặc điểm tư duy của một dân tộc sản sinh ra tác phẩm ấy.

Cũng như nhiều bạn Đức khác, Tiến sĩ Rudolf Oelschlagel, Ủy viên Trung ương Hội đoàn kết quốc tế (SODA) đã bày tỏ lòng cảm ơn đối với hai dịch giả Truyện Kiều - là ông bà Irene và Franz Faber trong một cuộc tọa đàm về Việt Nam ở khu Pankow (Berlin). Ông đánh giá cao sự nỗ lực trong hơn 7 năm trời dịch thuật của họ: từ một thứ ngôn ngữ có nhiều đặc điểm xa lạ với tiếng Đức, họ đã giúp cho độc giả Đức thưởng thức một công trình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam bằng tài năng, nghị lực và sự trung thành với nguyên bản đến mức tối đa.

Vô cùng xúc động và biết ơn nhà dịch giả lão thành kính mến, tôi đã viết bài thơ ngắn để tặng ông và để nhớ đến hương hồn người vợ đầy tài năng của ông. Xin coi bài thơ này là một kỷ niệm về mối quan hệ lâu dài giữa ông bà Faber và tôi:

Bâng khuâng nửa thế kỷ rồi
Nàng Kiều sang Đức - bao người nhớ thương
Hai trăm năm, nỗi đoạn trường
Nguyễn Du hồn lớn vấn vương với ĐỜI…
Trái tim vằng vạc ánh trời
Soi cho triệu triệu kiếp người khổ đau
Dặm trường từ Á sang Âu
Tình người trĩu nặng, đâu đâu cũng là…
Ôi nhà thơ lớn của ta!
Biết chăng dân Đức tôn là vĩ nhân?
Rì rầm ai cũng: “Trăm năm…”
Hai tay nâng nén hương trầm, nhớ ai…
Nguyễn Du ơi, bậc thiên tài
Áng thơ sáng mọi chân trời nhân văn
Trải qua bao lớp phong trần
Qua phong trần, lại bội phần sáng trong!
Tiếng người xưa… hóa tiếng lòng
Chân người xưa vẫn bước cùng ta nay
Cùng ta, thi sĩ có hay
Bốn phương bè bạn dang tay đón Kiều…”

Đón đọc kỳ tới:
Đại thi hào Nguyễn Du trong cảm nhận của dịch giả Franz Faber
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Truyện Kiều ở Đức: Kỳ IV Truyện Kiều trong lòng các bạn Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO