Theo cáo trạng, khoảng 7 giờ 30 ngày 17-8-2018, cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công an xã Nhị Kê (huyện Thường Tín) kiểm tra hành chính xưởng mộc của Nguyễn Hữu Tiễn.
Lực lượng chức năng đã phát hiện tại nhà xưởng phía sau nhà Tiễn có một bao tải dứa màu trắng, bên trong chứa 27 đoạn có hình dạng trụ tròn màu trắng ngà, kích thước khác nhau, có đặc điểm giống ngà voi, có khối lượng 7kg.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Hữu Tiễn, cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ được nhiều mẫu vật, 2 bao tải dứa, 2 thùng carton cùng các sản phẩm mỹ nghệ có đặc điểm tương tự như trên với khối lượng là 85kg.
Sau khi giám định, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã kết luận, toàn bộ số mẫu vật thu giữ từ nhà và xưởng của Nguyễn Hữu Tiễn đều được chế tác từ ngà voi châu Phi, có tên khoa học là Loxodonta Africana. Đây là loài voi có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 24-2-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Tiễn khai, Tiễn làm nghề chế tác các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ trang sức từ gỗ và các vật liệu tương tự gỗ.
Cuối năm 2017, Tiễn quen biết một người đàn ông tên là Tuấn, quê ở Thanh Hóa (Tiễn khai không biết rõ danh tính và địa chỉ cụ thể của Tuấn).
Thấy Tuấn có ngà voi bán, Tiễn đã đặt vấn đề mua với mục đích chế tác thành đồ trang sức, mỹ nghệ để bán kiếm lời. Tiễn đã mua của Tuấn khoảng 46kg ngà voi với giá 9 triệu đồng/kg.
Sau đó, Tiễn chế tác thành các sản phẩm và bán kiếm lời. Cũng trong thời gian này, Tiễn nhận gia công, chế tác các sản phẩm từ ngà voi của người đàn ông tên là A Kiểm, quốc tịch Trung Quốc (Tiễn khai không biết nhân thân người này) thuê chế tác đồ trang sức, mỹ nghệ vòng tay, hạt, mặt đeo với giá từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng tùy mỗi loại sản phẩm hoàn thiện.
Số lượng thành phẩm Tiễn đã giao một phần cho A Kiểm, nhưng không nhớ cụ thể. Việc giao nhận ngà voi không có giấy tờ, tài liệu gì chứng minh.
Nguyễn Hữu Tiễn đã thu lời được từ việc bán các sản phẩm ngà voi, công chế tác khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này Tiễn đã sử dụng chi tiêu trong gia đình và cá nhân.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định, mặc dù biết rõ ngà voi châu Phi là sản phẩm của loài voi có tên trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã, quy định tại các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhưng vì hám lợi, Nguyễn Hữu Tiễn vẫn mua bán và nhận gia công, chế tác, tàng trữ ngà voi.