Trường Tiểu học Thịnh Hào kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10-2022)

Sơn Dương| 10/10/2022 14:22

Sáng ngày 10-10-2022, tại Trường Tiểu học Thịnh Hào, thầy và trò nhà trường đã hân hoan tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ dưới cờ kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô để cùng nhau ôn lại một trong những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta.

anh-1.jpg

Không khí rợp cờ hoa của trường Tiểu học Thịnh Hào nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Tham dự Lễ kỷ niệm cùng với nhà trường còn có các đồng chí Lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa, các cựu chiến binh, phụ huynh học sinh và toàn thể thầy và trò trường Tiểu học Thịnh Hào. Trong thông điệp gửi tới các em học sinh, Nhà giáo Nghiêm Thị Hằng Nga – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo xây dựng nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời. Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

anh2.jpg

Tiết mục văn nghệ “Múa về Điện Biên” của các bác Cựu chiến binh kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2022

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.6 giờ sáng ngày 9/10/1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi.

anh-7(2).jpg

Tiết mục văn nghệ “Hoạt cảnh Người Hà Nội” do các em học sinh lớp 4A1, 4A2 thực hiện.

Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16 giờ00, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16giờ30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự. Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Kể từ đây, Thủ đô đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Ngày 10/10 của 68 năm về trước, nhân dân Thủ đô đã đồng thanh hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm". Âm thanh đó không chỉ vang vọng phố phường mà còn vang vọng trong tâm tưởng của nhân dân Thủ đô nhiều thế hệ. Và hôm nay mỗi một người trong chúng ta, mỗi học sinh của Thủ đô Hà Nội đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt hơn lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa. Đó chính là điều mà các bạn học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào thầm tự hứa sau khi ôn lại lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Tiếp theo là màn biểu diễn văn nghệ của lớp 4A1 và 4A2. Bằng sự chuẩn bị đầy công phu từ kịch bản đến trang phục, các bạn trong đội văn nghệ lớp 4 đã đem lại một cảm xúc khó quên cho các thầy cô và các bạn học sinh với tiết mục “Hoạt cảnh Người Hà Nội”. Qua phong cách biểu diễn hiện thực và đầy cản xúc, những bác Cựu chiến binh trình bày tiết mục “Múa về Điện Biên” và “Hát chúng tôi là người lính Bác Hồ” đã thu hút tất cả học sinh toàn trường chăm chú lắng nghe và cổ vũ rất nhiệt tình cho tiết mục.

Giờ chào cờ của Thầy và trò nhà trường đã khép lại bằng bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Nối vòng tay lớn để mở ra tiết học đầu tiên cho 1 tuần học mới.Từng tia nắng đầu tiên lấp ló sau những rặng cây xanh mát như chào đón một tuần làm việc và học tập đầy vui vẻ, hiệu quả của thầy và trò trường Tiểu học Thịnh Hào.

Bài liên quan
  • Lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống dân tộc tới công chúng Thủ đô
    Tối 8-10, tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (quận Hoàn Kiếm), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Gặp gỡ mùa thu Hà Nội 2022” nhằm lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống dân tộc tới công chúng Thủ đô.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trường Tiểu học Thịnh Hào kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10-2022)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO