TS Nguyễn Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ
và Thương mại Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VA
Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội được thành lập trên cơ sở Trường dạy nghề Bách nghệ Hà Tây với tên ban đầu là Cao đẳng Bách nghệ Tây Hà. Năm 2013, Nhà trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.
Diễn văn Lễ kỷ niệm, TS Nguyễn Xuân Sang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, vượt qua rất nhiều khó khăn vất vả về mọi mặt, hiện nay Nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, phát triển thành một trường cao đẳng mạnh trong hệ thống các trường cao đẳng cả nước với lưu lượng sinh viên thường xuyên từ 7000 - 8000 sinh viên. Tính đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh được gần 20.000 học sinh, sinh viên các hệ, các ngành, luôn đứng ở tốp đầu trong các trường tuyển sinh; đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 10.000 lao động tay nghề, kỹ năng, nhiều cựu sinh viên đã thành đạt tại các vị trí công tác khác nhau.
Trong 10 năm qua, Nhà trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và dần khẳng định là một địa chỉ có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh phía Bắc và cho đất nước. Nhiều ngành đào tạo có uy tín và thương hiệu tốt như: Du lịch, Xây dựng, Điện… được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao.
Với những thành tích đạt được, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc xây dựng trường giai đoạn 2007 - 2012; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích 10 năm xây dựng và phát triển cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
TS Nguyễn Xuân Sang bày tỏ, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới đời sống kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, mỗi gia đình và mỗi con người. Phương thức đào tạo cũng như chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường trong giai đoạn mới sẽ phải thích ứng với nhu cầu sử dụng nhân lực theo hướng hội nhập để có thể là người lao động mang tính toàn cầu.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên hệ thống các trường cao đẳng chuyển sang lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức, quy chế đào tạo, chương trình đào tạo. Nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện xong hơn 40 chương trình đào tạo thuộc 28 ngành nghề cao đẳng và trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các cán bộ, giảng viên cũng đã thay đổi theo phương pháp đào tạo mới tăng kỹ năng nghề, tăng thực hành, giảm tối đa lý thuyết và cập nhật kiến thức để có thể vừa là thầy, vừa là thợ giỏi. Hiện trường đang đầu tư phát triển các mảng mũi nhọn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về lĩnh vực Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật và tự động hóa, Du lịch.../.