Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 200 hình ảnh đặc sắc được thể hiện qua 17 pano, bao gồm 2 phần: “Những hình ảnh trích từ những bộ phim truyện, phim tài liệu” và “Những hình ảnh đặc sắc về Hà Nội qua góc nhìn của các nghệ sĩ yêu mến Hà Nội”.
Phần 1 giới thiệu 150 hình ảnh trích từ 29 bộ phim truyện, phim tài liệu được trình bày theo thứ tự năm sản xuất phim. Trong đó mảng phim truyện có: "Em bé Hà Nội" (1974), "Sao Tháng Tám" (1976), "Hà Nội mùa chim làm tổ" (1981), "Điện Biên Phủ" (1992), "Mùa ổi" (2000), "Hà Nội 12 ngày đêm" (2002), "Hà Nội Hà Nội" (2006), "Hoa nhài" (2022)…
Mảng phim tài liệu với những hình ảnh nổi bật trong các phim: "Tiếp quản Thủ đô" (1954), "Phong cảnh Hà Nội" (1958), "Hà Nội tháng 5" (1967), "Một ngày Hà Nội" (1967), "Xuân nào vui hơn" (1976), "Mùa xuân thống nhất" (1976), "Bài ca dâng Bác" (1978), "Hoa Tết Hà Nội" (1980), "Hà Nội trong mắt ai" (1983), "Kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô" (1984, "Phố cổ Hà Nội" (1994), "Việt Nam trên đường đổi mới" (1995), "Ngoại ô" (1999), "Chốn quê" (2001), "Tâm tình của gốm" (2007), "Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội" (2020), "Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam" (2021).
Phần 2 giới thiệu hơn 40 hình ảnh độc lập là những bức ảnh nghệ thuật do nhà quay phim Phạm Thanh Hà cùng các nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, Hoàng Hữu Khánh… thực hiện.
“Qua triển lãm, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính nhưng vô cùng bất khuất trong những thước phim thập kỷ 60, 70 hay một Hà Nội thanh lịch văn minh chuyển mình theo sự phát triển của đất nước trong những tác phẩm điện ảnh đổi mới từ thập kỷ 80 đến nay. Các hình ảnh này đã phản ánh phần nào sự đổi thay của Thủ đô qua nhiều thời kỳ và đây là một trải nghiệm quý giá đối với công chúng.” – nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: “Triển lãm góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội - từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từ đó định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật gắn với tầm nhìn phát triển văn hóa xã hội bền vững”.