Mỗi dịp tháng 7 về, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” lại diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Hòa chung sự tri ân ý nghĩa ấy, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tạp chí Người Hà Nội tổ chức chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VI với nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào Về xứ Nghệ, thắp nến tri ân...
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước cũng như trong chặng đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, mảnh đất xứ Nghệ luôn là điểm tựa, là căn cứ quan trọng, đóng góp to lớn vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Những cái tên như: Tương Dương, Con Cuông, Xô viết Nghệ -Tĩnh, Truông Bồn, cầu Bến Thủy, cầu Cấm… đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử, mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên - Chương trình Khúc Quân hành 2019
Cũng bởi thế mà trong hành trình về nguồn để tri ân, BTC chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VI đã chọn Nghệ An là điểm đến. Ngày 22/7/2022, vượt hơn 300 km - từ Thủ đô Hà Nội, đoàn đã tới huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tại đây, đoàn đã đến thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào - nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia. Đây là nơi quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hi sinh tại Lào, trong đó có 6.900 phần mộ chưa rõ tên và quê quán; 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê quán. 11000 ngọn nến được những thành viên trong đoàn thắp lên cũng là để tưởng niệm và tri ân với những người con đã ngã xuống và nằm lại nơi đất mẹ kiên cường.
Thắp hương cho từng ngôi mộ trong hành trình tri ân đồng đội tại Điện Biên - Chương trình Khúc quân hành 2019
Điểm đến tiếp theo trong hành trình về xứ Nghệ là Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn - địa danh thẫm đẫm máu xương của các chiến sĩ nay đã trở thành vùng đất linh thiêng, biểu tượng sáng ngời của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn). Những địa danh, những tên đất, tên người của mảnh đất miền Trung nắng gió đã đọng lại trong ký ức của những thành viên trong đoàn biết bao cảm xúc cùng sự trân trọng và biết ơn đối với những người con đã hi sinh cho Tổ quốc, quê hương...
Cùng với các hoạt động thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm, tại Nghệ An, đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa (trị giá 150.000.000 đồng) cho gia đình thương binh Trần Đình Khôi, Phan Quốc Tính, Bùi Hữu Nhuần (thuộc các xã Bình Sơn, Tam Sơn và Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn); tặng sổ tiết kiệm cho mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thi và Nguyễn Thị Sinh (xã Vĩnh Sơn và Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn), mỗi sổ 10.000.000 đồng; trao tặng 200 suất quà trị giá gần 300.000.000 đồng cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Đón nhận những ngôi nhà mới, những cuốn sổ tiết kiệm hay những phần quà mà BTC trao tặng, những người cựu chiến, người mẹ, người vợ đã không giấu được niềm rưng rưng xúc động...
Góp thêm tiếng nói tri ân bằng đêm giao lưu nghệ thuật
Khép lại chuỗi chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VI năm 2022, vào lúc 20h ngày 25/7/2022, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ta tự hào đi lên - Việt Nam”. Chương trình được dàn dựng công phu và truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội đã góp thêm tiếng nói tri ân bằng những giai điệu, lời ca, những màn múa đặc sắc. Bên cạnh sự góp mặt của ca sĩ, nhóm múa, chương trình còn có sự tham gia của các vị khách mời là: Trung tướng Nguyễn Tiến Long, nguyên Bí thư Đảng ủy Chính ủy Quân khu 3, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Lào, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục chính sách Tổng cục chính trị; Thiếu tướng Dương Văn Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Viettel. Qua những chia sẻ của các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử; qua những ca khúc đi cùng năm tháng như “Bài ca không quên”, “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng”, “Vết chân tròn trên cát”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Mashup mãi mãi tuổi 20”… công chúng như được sống lại một thời kỳ vô cùng gian khó mà cũng đầy hào hùng mà dân tộc đã đi qua và càng thấy yêu hơn truyền thống vẻ vang cũng như nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam hôm nay.
Phát biểu trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Ta tự hào đi lên - Việt Nam”, nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức chương trình khẳng định: “Chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VI năm 2022 là sự tiếp nối và lan tỏa truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; là một nghĩa cử thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng… Chúng tôi mong muốn qua chương trình sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc… để từ đó nhắc nhớ mỗi người ý thức phấn đấu, học tập, lao động và cống hiến cho sự phát triển của đất nước”.
Thay mặt Ban tổ chức chương trình, nhà báo Vương Minh Huệ cũng đã gửi lời cảm ơn tới các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân đã ủng hộ, đồng hành để Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc và Tạp chí Người Hà Nội có thể tổ chức một chương trình hết sức ý nghĩa, nhân văn. “Những chữ Tâm, chữ Tín, chữ Tài; những kỷ niệm chương mà BTC trao tặng hôm nay cũng chính là sự ghi nhận, biết ơn, và trân trọng đối với tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm... ” - nhà báo Vương Minh Huệ bày tỏ.
Trao quà tri ân tại Điện Biên - Chương trình Khúc Quân hành 2019