Trên đường tiếp nhận "Truyện Kiều" Kỳ 5: So sánh "Truyện Kiều" - Từ khu vực đến thế giới

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn| 27/09/2020 18:02

Trong tổng thể tiến trình tiếp nhận, nghiên cứu kiệt tác “Truyện Kiều” từ nhiều góc độ, phương pháp, cách thức khác nhau thì riêng định hướng nghiên cứu so sánh lại đòi hỏi nguồn tư liệu mới, 
hệ qui chiếu mới, bao gồm cả những so sánh trực tiếp và tương đồng trên nhiều cấp độ nội dung và nghệ thuật, loại hình, thể loại, cốt truyện, nhân vật ở tầm khu vực và thế giới. Cần chú ý rằng việc nghiên cứu đối sánh “Truyện Kiều” - “Kim Vân Kiều truyện” và hóa giải điểm nóng Đổng Văn Thành mới chỉ là một phần trong tổng thành lịch sử so sánh xoay quanh “Truyện Kiều” và đã kịp thời được các học giả Việt Nam trao đổi, phê bình đúng mức.

Trên đường tiếp nhận
“Truyện Kiều” dưới cái nhìn thiền quán - Cuốn sách “Thả một bè lau” 
của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: NHS. 

Tiếp nhận trong văn mạch dân tộc

Biết rằng, “Truyện Kiều” có cốt truyện ngoại lai nhưng ngay từ khi ra đời đến nay đã thường xuyên được cảm nhận, tiếp nhận, xác định giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật trong văn mạch dân tộc. Hướng so sánh này tập trung đặt “Truyện Kiều” trong tiến trình phát triển chung của tiếng Việt, văn tự Nôm, văn phái Hồng Sơn, trào lưu nhân văn thế kỷ XVIII - XIX, thể thơ lục bát truyền thống, thể loại truyện thơ Nôm, các truyện thơ “Hoa tiên”, “Lục Vân Tiên” và những ảnh hưởng, tác động tích cực trở lại từ chính “Truyện Kiều” đến đời sống văn hóa - văn học dân tộc. 

Từ đương thời, Phong Tuyết Chủ Nhân đã nhấn mạnh vai trò chủ thể tác giả và năng lực nội cảm hóa: “Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mị, đốn tỏa, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy” (Bài tựa Truyện Kiều, 1928). Đến giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã có nhiều tác giả gọi hồn “Truyện Kiều” đồng vọng trong điệu hồn dân tộc: Ngạc Am với “Truyện Kiều từ cụ Nguyễn Du đến cụ Phạm Quỳnh, cụ Ngô Đức Kế, cụ Hoàng Thúc Kháng” (Công luận báo, 2 kỳ, 1934),  Xuân Hòa với “Nhân cuộc lễ kỷ niệm cụ Đồ Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, ta thử xét Lục Vân Tiên và Đồ Chiểu, Nguyễn Du và Kiều” (Hai kỳ, Tiểu thuyết thứ Bảy, 1943); Hữu Nhân với “Hoa Tiên với Kim Vân Kiều” (Nam Kỳ tuần báo, 1944); Nguyễn Tất Thứ với “Từ Hoa Tiên truyện, Mai đình mộng ký đến Đoạn trường tân thanh - Văn phái Hồng Sơn là một con bướm vàng đã dạo qua làn hương phấn của chòm hoa phong dao” (Tiểu thuyết thứ Bảy, 1944)... Điều này cho thấy khả năng tiếp nhận, Việt hóa, dân tộc hóa của thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du đã sáng tạo nên kiệt tác “Truyện Kiều”, đưa “Truyện Kiều” lên vị trí hàng đầu của nền văn học cổ điển Việt Nam.

Thú vị trong nghiên cứu đối sánh

Định hướng nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” trong tương quan khu vực Đông Nam Á và phương Đông thể hiện ở hai phạm vi. Trước hết là những so sánh trực diện “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu có các học giả Việt Nam và Trung Quốc với việc xác định “nguồn gốc văn Kiều”, “cội rễ Truyện Kiều”, “từ sự thật đến sáng tạo nghệ thuật”, “chu trình diễn hóa”, “tính khả độc - tính khả tả - tính khả truyền”, “sự chuyển đổi loại hình và thể loại”, “so sánh loại hình lịch sử”… 

Có thể thấy quan hệ “Truyện Kiều” - “Kim Vân Kiều truyện” là tương quan ảnh hưởng trực tiếp, trực diện nên được học giới Việt - Trung (vốn là những người am hiểu nền văn hóa - văn học cổ điển hai nước và có điều kiện thâm nhập văn bản ở cả hai tác phẩm) cùng quan tâm tìm hiểu… Mở rộng phạm vi so sánh, ngay từ cuối thế kỷ XIX, “Truyện Kiều” đã được Abel des Michel dịch ra tiếng Pháp và đi sâu phân tích: “Truyện thơ này được gợi ý, với những thay đổi đáng kể, từ một tiểu thuyết Trung Hoa, tác phẩm mà nhiều nhà nho An Nam tin là được sáng tác bởi một trong các nhà nho tài tử (…). Vả chăng, thật dễ để nhận ra lớn lao biết bao nhiêu là sự trau dồi tinh thần của tác giả truyện “Túy Kiều” trong khi lưu ý rằng thường thường nghĩa của các thành ngữ mà nhà thơ sử dụng thật sự sâu sắc và khơi gợi trong tinh thần giản lược cực kỳ tinh tế” (Lời giới thiệu Truyện Kiều, tiếng Pháp, 1884)… 

Thứ hai là việc mở rộng so sánh “Truyện Kiều” với các tác phẩm cùng loại hình truyện thơ khu vực Đông Nam Á (Tum Tiêu của Campuchia, Xỉn Xay của Lào, Khun Chang Khun Phaen của Thái Lan) và đặt trong bối cảnh căn rễ văn hóa - văn học - xã hội Á Đông (so sánh với Truyện Xuân Hương của Hàn Quốc, với tiểu thuyết phóng tác Kim ngư truyện của Nhật Bản)… Điều thú vị là cùng tiếp nhận “Kim Vân Kiều truyện” nhưng qua ngã rẽ Việt Nam thì Nguyễn Du chuyển hóa thành truyện thơ lục bát 3254 câu, còn sang Nhật Bản được Khúc Đình Mã Cầm (1767 - 1848) phóng tác thành “Kim ngư truyện”, nghĩa là giữ nguyên cốt truyện và hình thức văn xuôi, chỉ chuyển dịch sang tiếng Nhật, có gia giảm và Nhật hóa về tên nhân vật, địa danh…

Về nghiên cứu “Truyện Kiều” trong mối quan hệ khu vực, có thể kể từ nghiên cứu đối sánh như Valentin Lý với “Truyện Xuân Hương của Triều Tiên và Truyện Kiều của Nguyễn Du” (1992), Yang Soo Bae với “Bước đầu nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương” (1995), Đoàn Lê Giang với “Bước đầu so sánh Kim ngư truyện của Kyokutei Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du” (2016),… đến xem xét tương quan văn học vùng như Trần Nho Thìn với “Truyện Kiều và văn hóa phương Đông” (2015)… Định hướng chung là cần thiết coi trọng khảo sát, đi sâu lý giải chân giá trị và đặc trưng mỗi kiểu loại tác phẩm cũng như mối quan hệ ảnh hưởng - giao lưu văn hóa, đặt trong quá trình phát triển tư duy văn học ở phạm vi khu vực.
Mở rộng khảo sát “Truyện Kiều” trong tương quan văn học thế giới, so sánh với các tác phẩm có tính tương đồng nhưng không có mối liên hệ trực tiếp phát triển gắn liền với quá trình giao lưu, hội nhập và khả năng tiếp nhận các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu so sánh hiện đại. Định hướng liên hệ, so sánh “Truyện Kiều” với những tác phẩm tương đồng, đồng loại hình thuộc các dân tộc khác nhau, các vùng chân trời địa - văn hóa khác nhau, các nền văn học truyền thống khác biệt nhau được nâng cấp, nhấn mạnh ở các phương diện giá trị tư tưởng nhân văn, chiều sâu triết lý, loại hình và thể loại, mức độ phổ cập và “tầm đón đợi” của độc giả. Có thể kể đến những so sánh tiêu biểu của “Truyện Kiều” với các tác phẩm “Thần khúc” của Dante - Ý (Lê Trí Viễn 1978 và Nguyễn Văn Hoàn 2009), “Hamlet” của Shakespeare - Anh (Bùi Giáng 1966), “Andromaque” của Racine (Hoài Thanh 1949 và Nguyễn Thị Hoàng 2011), “Le Cid” của Pierre Corneille - Pháp (Trần Thị Phương Phương 2016), “Faust” của Goete - Đức (Nguyễn Tri Nguyên), “Evgheni Oneghin” của Pushkin - Nga (Trần Thị Phương Phương 1992 và Hội thảo Hà Tĩnh 2019),…

Trong tư cách người thưởng thức, bạn đọc hẳn có thể chỉ đọc “Truyện Kiều” mà không cần biết đến bất kỳ mối liên hệ nào với các truyện thơ Nôm Việt Nam cũng như gốc nguồn “Kim Vân Kiều truyện” và những tương đồng với nhiều tác phẩm cổ điển Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong tư cách người nghiên cứu, mối quan hệ giữa “Truyện Kiều” với các tác phẩm cổ điển Đông - Tây lại đặt ra những vấn đề quan trọng về đặc điểm sự vay mượn cốt truyện và khả năng sáng tạo của Nguyễn Du, về xu thế chuyển hóa từ tiểu thuyết văn xuôi tự sự chương hồi tới truyện thơ Nôm đậm đặc chất trữ tình, về hiện tượng “Truyện Kiều” đặt trong hệ thống hàng loạt truyện thơ Nôm có nguồn gốc cốt truyện Trung Quốc, về qui luật tiếp nhận và quá trình phát triển của mỗi nền văn học dân tộc, về vị trí Nguyễn Du trong tư cách “người môi giới văn hoá” vốn xuất hiện phổ biến dưới thời trung đại ở khu vực Đông Á cũng như với nhiều nước Âu - Tây... Việc mở rộng nghiên cứu so sánh sẽ góp phần giúp bạn đọc nắm bắt đầy đủ hơn giá trị kiệt tác “Truyện Kiều” cũng như các mối liên hệ mang tính loại hình và xu thế, qui luật phát triển văn học trên toàn thế giới…

Đón đọc kỳ cuối: 
Kiệt tác “Truyện Kiều” giao lưu, hội nhập quốc tế
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Trên đường tiếp nhận "Truyện Kiều" Kỳ 5: So sánh "Truyện Kiều" - Từ khu vực đến thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO