Thực tế có nhiều bà mẹ không để ý đến thời kỳ mang thai, thích sinh những em bé càng to càng tốt, hoặc thậm chí ngược lại, để cho trẻ suy dinh dưỡng từ giai đoạn rất sớm... Đó là những nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì ở giai đoạn tiếp theo của trẻ. PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm trẻ to béo thì khỏe mạnh, đề kháng tốt, nhưng không phải như vậy, những trẻ có cân nặng thừa thì các triệu chứng thường ẩn, khiến chúng ta chủ quan nghĩ trẻ khỏe mạnh.
Ví dụ, trong bệnh hô hấp, những trẻ bị viêm tiểu phế quản mà béo phì thì nguy cơ nặng hơn những trẻ khác; trẻ béo phì bị tiêu chảy thì các dấu hiệu mất nước bị ẩn, không tiên lượng được vì lượng mỡ quá dày... Nếu trẻ bị béo phì từ nhỏ mà không có điều chỉnh phù hợp thì trẻ sẽ trở thành người béo phì sau này và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tăng mỡ máu hay tiểu đường... đều gia tăng.
Vì vậy, theo các bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia, nếu trẻ quá thừa mỡ, thì cần cân đối dinh dưỡng. Nên hạn chế đồ ăn nhanh, trà sữa, đường chuyển hóa nhanh, những thực phẩm này thậm chí làm cho trẻ chưa thừa cân đã béo phì, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể lớn. Cần kiểm soát bữa ăn của trẻ, chú ý đến thời gian ăn. Trẻ thừa cân béo phì ăn 5-10 phút đã hết bữa, khiến trẻ chưa thấy no.
Nên duy trì thời gian ăn 20-25 phút/bữa, cho trẻ uống nước giúp tiêu hóa, lấp đầy dạ dày rồi ăn thức ăn kèm rau và cơm. Khuyến khích trẻ vận động, làm việc nhà, tiếp xúc với thiên nhiên 60 phút/ngày để trẻ tiêu hao năng lượng.
Đặc biệt, với trẻ béo phì cần điều chỉnh chế độ ăn rồi mới tính đến tập luyện, bởi nhiều trẻ có nhịp tim không phù hợp, nếu vận động nặng sẽ không tốt.