Phần thưởng ý nghĩa
Những ngày đầu tháng 1.2021, giữa mùa hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn – Nghệ An, TH School (Hà Nội) đã tổ chức chuyến “farm-trip” (trải nghiệm nông trại) lý thú dành cho đoàn học sinh và phụ huynh – gồm các học sinh xuất sắc của TH School và nhóm học sinh đoạt các giải thưởng hoặc học bổng của trường.
Đoàn học sinh và phụ huynh thăm Trang trại bò sữa organic của TH.
Với mục tiêu truyền cảm hứng và trách nhiệm xã hội tới thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chuyến thăm quan trước hết được thiết kế gồm các điểm đến tiêu biểu phản ánh quy trình khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH true MILK. Đó là những cánh đồng rộng lớn hàng trăm hecta trồng cây nguyên liệu gồm cỏ, ngô, hướng dương, tiếp đó là trang trại bò sữa organic, nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa, khu vắt sữa và Nhà máy sản xuất sữa tươi sạch.
Các bạn nhỏ hào hứng với đàn bò organic tại trang trại TH.
Bên ly sữa tươi vừa vắt vẫn còn ấm nóng, các em học sinh và phụ huynh được nghe những người nông dân 4.0 ở trang trại TH kể về công cuộc hơn 10 năm hiện thực hóa giấc mơ công nghệ cao tại Nghĩa Đàn – vùng đất từng nổi danh với những nông trường lớn thời chiến tranh. Với “chìa khóa vàng” là công nghệ đầu cuối thế giới và trí tuệ Việt, TH không chỉ đánh thức đất đai, khiến cho “vàng trắng” sinh sôi nảy nở, mà còn bền bỉ bảo vệ Mẹ Thiên nhiên, xem đó là một trong những sứ mệnh của mình.
Bởi vậy, trong lịch trình này, các điểm đến như Nhà máy mía đường NASU (một đơn vị của TH Group), trang trại bò sữa organic, những mái nhà lắp pin năng lượng mặt trời sáng lóa, cánh đồng hoa hướng dương… đều là những điểm nhấn không thể thiếu của chuyến trải nghiệm. Đặc biệt là ở NASU, các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học dày đặc của NASU có khả năng đưa nơi đây trở thành OECM đầu tiên tại Việt Nam (khu bảo tồn đa dạng sinh học không sử dụng ngân sách Nhà nước).
Pin năng lượng mặt trời trên mái các trang trại bò sữa của Tập đoàn TH tại Nghệ An.
Những dấu ấn phát triển bền vững
“Bã mía sau khi ép hết nước được đưa vào lò đốt để từ đó sản xuất điện. 60% điện sinh ra từ đây dùng cho sản xuất và sinh hoạt của nhà máy, phần còn lại hòa lưới điện quốc gia, bán cho Nhà nước. Tro từ đốt bã mía dùng bón ruộng mía. Rỉ mật, một phụ phẩm từ quy trình ly tâm nước mía được sử dụng trộn thức ăn cho bò sữa hoặc bán cho các doanh nghiệp sản xuất mì chính, rượu, bia, cồn…” – anh Lê Văn Tình, Giám đốc Nhân sự và Phát triển bền vững của NASU chia sẻ. Theo anh, mọi phụ phẩm của quá trình sản xuất được được tái sử dụng triệt để, hoàn toàn không có chất thải nguy hại ra môi trường.
Các bạn học sinh và phụ huynh ngạc nhiên khi biết ở NASU người ta không cắt cỏ trừ lối đi và các khu vực quan trọng, cây chết để mục rữa tự nhiên trên đất làm nơi trú ngụ cho côn trùng, hoa quả trên cây để dành cho chim chóc về ăn. Hiện ở NASU có tới 41 loài chim, theo thống kê gần nhất.
“Con còn được xem tại khuôn viên nhà máy nhiều khách sạn dành riêng cho côn trùng. Những mẩu gỗ bỏ đi được đục lỗ và gắn với nhau một cách khéo léo như những ngôi nhà tí hon để côn trùng đến ở. Con còn biết nhiều nhà máy mía đường ở các nước khác khi thu hoạch mía người ta thường đốt trụi lá mía đi để cho tiện, nhưng ở NASU các cô chú lại có quan điểm “thu hoạch xanh”, không đốt lá mía, tránh sinh nhiệt và bụi cho môi trường” – Nam Khánh, học sinh lớp 7 trường DGS, một bạn nhỏ đầy đam mê tìm hiểu các thông tin về khoa học môi trường, bày tỏ sự thích thú.
Mô hình khách sạn cho côn trùng tương đối phổ biến ở các đơn vị trong Tập đoàn TH. Tuy nhiên, các khách sạn này này thường xuyên bị chính các “vị khách” của mình phá sập (loài mối là “thủ phạm”).
Một hoạt động rất thú vị nữa của chuyến trải nghiệm là trang trí làn nhựa tái sử dụng. Những chiếc làn tự thân nó đã kể một câu chuyện ý nghĩa về thực hành sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Chị Vi Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng và Thức ăn (Công ty CP Thực phẩm Sữa TH) cho biết, TH nhập khẩu khoảng 5.000-7.000 tấn cỏ linh lăng mỗi năm, mỗi bánh cỏ nặng 500 kg được buộc bằng 6 chiếc dây nhựa dài. Thay vì bị vứt bỏ ra môi trường, chúng được các chị công nhân khéo léo đan thành những chiếc làn tặng cho cán bộ nhân viên sử dụng hằng ngày.
Tận mắt chứng kiến những bàn tay thoăn thoắt đan dây, rồi sau đó lại được tự tay trang trí bằng màu vẽ lên những chiếc làn này, bạn Nguyễn Diệu Anh (Học sinh lớp 10 trường TH) thốt lên: “Đây là hoạt động khiến con thích nhất trong chuyến đi. Những chiếc làn xinh xắn quá, con sẽ mang về tặng mẹ để dùng đi chợ hoặc đựng đồ. Quan trọng hơn, con hiểu được rằng thay vì vứt đi những sợi dây nhựa ra môi trường để rồi nhiều trăm năm sau chúng chưa phân hủy được, đồng thời lại dùng hàng chục chiếc túi nilon mỗi lần đi chợ; thì thay vào đó chúng ta tận dụng những vật liệu bỏ đi để đạt được cả hai mục đích tốt đẹp cùng lúc”.
Diệu Anh (bên phải, học sinh lớp 10 TH School) hào hứng trang trí chiếc làn làm bằng dây buộc cỏ. Đây là chiếc làn bạn được các cô chú ở Trung tâm Thức ăn đan tặng.
Anh Đặng Minh Tuấn (Giảng viên Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ huynh học sinh TH School) nhận xét: “Về chuỗi quy trình sản xuất sữa hay các mô hình phát triển bền vững, các bạn trẻ đều có thể xem qua hoặc nghe qua, tuy nhiên không đủ để kích thích mạnh vào tâm trí bằng việc nhìn trực tiếp. Bởi vậy tôi đánh giá rất cao những chuyến trải nghiệm thực tế như thế này”.