Thời gian gần đây, các loại thuốc đông y được quảng cáo có công dụng chữa khỏi bệnh đang tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội (MXH) với mô típ “nhà tôi 3 đời chữa bệnh” khiến nhiều người tin dùng và phải “ngậm trái đắng”.
Các chuyên gia cảnh báo, người bệnh cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất, tật mang.Quảng cáo thuốc tràn lanKhảo sát trên Facebook, YouTube, TikTok…, dễ dàng bắt gặp những video quảng cáo như: “3 đời gia truyền nhà tôi chữa sỏi thận, sỏi mật, to mấy cũng tan"; “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh xương khớp”; “Tôi chỉ cho bài thuốc này khỏe mạnh đến già”; “3 đời nhà tôi chữa viêm gan xơ gan”… Bất chấp đúng sai, những quảng cáo sai sự thật ngập tràn khắp không gian mạng.Một trang Facebook có tên lương y V.V.C. - Gia truyền 3 đời trị sỏi, người dùng không khỏi “choáng ngợp” bởi những video quảng cáo “không tin cũng phải tin, tán sỏi không phải mổ”. Với đoạn video dài hơn 2 phút, quay lại cuộc tư vấn của lương y V.V.C., chuyên trị sỏi thận, tư vấn cho bệnh nhân L.V.T. (65 tuổi) ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Qua lời kể của bệnh nhân, vị lương y này khẳng định: “Anh phải dùng sản phẩm Kim Thạch Đan để bào mòn và tống sỏi ra ngoài. Vì bệnh sỏi thận này phải dùng những bài thuốc Kim Thạch Đan thì mới có hiệu quả. Anh yên tâm, dùng Kim Thạch Đan từ thảo dược thiên nhiên rất an toàn và hiệu quả…”. Tuy nhiên, khi phóng viên thử gọi đến đường dây nóng được quảng cáo trị sỏi thận, xương khớp (0358358396; 0338814694) nhưng đều ở tình trạng thuê bao không liên lạc được.
Phong trào quảng cáo ''nhà tôi 3 đời chữa bệnh'' không chỉ gây phản cảm mà còn là sự mập mờ về chất lượng. Ảnh cắt từ video |
|
Thực tế, hiện nay nhiều người vì nghe theo quảng cáo bán thuốc gia truyền “3 đời” chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hóa khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai… đã không ngần ngại mua thuốc, dẫn tới hậu quả phải nhập viện vì rước họa vào thân. Đơn cử, mới đây, một người phụ nữ (25 tuổi) ở Hà Nội, vì muốn sinh con trai đã tự mua thuốc nam về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường và phải vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương.Một bệnh nhân khác (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B nhiều năm) cũng nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở do trước đó sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp cá biệt, theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi tháng, BV tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.Theo bác sĩ Nguyễn Viết Nam - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối với việc sử dụng thuốc nam, thuốc đông y, người bệnh cần phải đến các cơ sở uy tín để tránh tình trạng thuốc bị trộn lẫn các hóa chất độc hại, chất cấm gây ra biến chứng khi sử dụng. "Nhiều loại thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tây. Sau đó, khi bị các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh mới phải nhập viện trong tình trạng nặng" – bác sĩ Nam nói.Dẹp loạn quảng cáo sai sự thậtĐồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, thực tế, có nhiều bệnh nhân tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ thuốc này “lành hơn” thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng… Điều đáng nói, nhóm thuốc này rất khó xác định được thành phần cũng như liều lượng corticoid trong đó, dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Khi corticoid bị trộn lẫn trong thuốc nam, bệnh nhân sắc uống sẽ thấy đỡ đau tưởng thuốc tốt nhưng dùng mãi sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nam, thuốc bắc trôi nổi trên thị trường. "Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc mạnh mẽ để siết chặt quản lý việc quảng cáo thuốc trên mạng cũng như việc mua bán thuốc không có đơn hiện nay”- bác sĩ Lưu đề nghị.Không chỉ thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng cũng đang được quảng cáo tràn lan trên MXH. Đề cập đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế Trần Việt Nga cho biết, Cục ATTP đã có nhiều cuộc làm việc với các đơn vị của Bộ TT&TT, đơn vị liên quan để bàn cách xử lý quảng cáo sai phạm. "Có những đơn vị cung cấp quảng cáo đặt máy chủ ở nước ngoài, rất khó kiểm soát và xử lý. Nếu chúng tôi dò tìm từng quảng cáo thì không bao giờ hết được, vì quảng cáo tung theo chùm. Hiện có nhiều tên miền quảng cáo vi phạm bị gỡ nhưng việc đăng ký tên miền còn dễ nên gỡ tên này DN lại đăng ký tên khác và lại quảng cáo sai”- Phó Cục trưởng Cục ATTP nêu khó khăn.Trước tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh sai sự thật trên MXH, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan, kiểm tra có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp để chấm dứt tình trạng loạn “thần y” tự xưng trên MXH hiện nay.
"Bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học nên các bài thuốc y học cổ truyền cũng phải xây dựng và phát triển dựa theo yêu cầu này. Tuy nhiên, thực tế, thuốc y học cổ truyền, đặc biệt là thuốc gia truyền chưa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, lại được quảng cáo tràn lan trên các trang MXH. Cục Quản lý y dược cổ truyền tiếp tục bàn cách để quản lý, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh y dược cổ truyền tại địa phương, cũng như quảng cáo "thần y" lan tràn trên MXH. Sau khi có phương án, Cục sẽ trình Bộ Y tế xem xét, triển khai thực hiện. " - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Thế Thịnh |