TP Hồ Chí Minh xây dựng “Chính quyền số”: Bước chuyển mới trong cải cách hành chính

Nguyên Lê/Hanoimoi| 01/08/2019 09:01

Thời gian qua, thông qua nhiều giải pháp, cách làm đa dạng, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là xây dựng hệ thống hành chính công điện tử nhằm hướng tới xây dựng “Chính quyền số”. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang bắt đầu số hóa các văn bản, tài liệu và bước đầu đạt được kết quả tích cực.

TP Hồ Chí Minh xây dựng “Chính quyền số”: Bước chuyển mới trong cải cách hành chính
Các đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh thao tác trên máy tính bảng tại “kỳ họp không giấy” (kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX).

Giải quyết công việc qua thiết bị di động

Tại kỳ họp thứ mười lăm vừa diễn ra, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã số hóa toàn bộ tài liệu, giấy tờ phục vụ đại biểu. Đây là kỳ họp đầu tiên HĐND thành phố tổ chức “kỳ họp không giấy”, các đại biểu cũng không cần mang bút, sổ tay mà chỉ cần thao tác, tra cứu bằng ứng dụng trên máy tính bảng.

Đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cho biết, việc số hóa tài liệu giúp giảm khoảng 5kg tài liệu bằng giấy cho mỗi đại biểu tham dự kỳ họp. Theo ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hồ Chí Minh, việc tích hợp tài liệu trên hệ thống trực tuyến giúp giảm chi phí in ấn, đồng thời giúp đại biểu dễ dàng tra cứu tài liệu, qua đó phát huy vai trò trách nhiệm của từng đại biểu.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với một khối lượng giấy tờ chất chồng tại mỗi lần họp, gây khó khăn trong tra cứu và tạo cảm giác nặng nề cho người tham dự. Tài liệu được số hóa trên thiết bị cầm tay sẽ giúp người sử dụng phân loại nhanh từng lĩnh vực, đề mục, nội dung cần tra cứu. Quan trọng hơn là giúp mỗi cán bộ, công chức làm việc hiệu quả hơn.

“Với việc tổ chức kỳ họp, phòng họp không giấy, rõ ràng chúng ta thấy cuộc họp nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua thống kê bước đầu, chỉ riêng tiền văn phòng phẩm, “kỳ họp không giấy” đã giúp thành phố tiết kiệm được 110 triệu đồng.

Trong khi đó, thống kê từ Văn phòng UBND thành phố, việc áp dụng các mô hình không giấy trong năm 2018 giúp tiết kiệm trên 20 tỷ đồng chi phí in ấn, chưa kể tại các sở, ban, ngành. Ngoài hiệu quả về chất lượng công việc, số hóa tài liệu mang lại hiệu quả rõ ràng về mặt tài chính.

Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay, đã có 375 dịch vụ công đạt tiêu chuẩn dịch vụ công mức độ 4 (sở, ban, ngành là 187 dịch vụ; quận, huyện là 188 dịch vụ). Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đang cung cấp là 1.140 dịch vụ; trong đó sở, ban, ngành là 284 dịch vụ; quận, huyện là 856 dịch vụ. 

Sẽ số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu của thành phố

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, vừa qua, thành phố đã phê duyệt và hoàn tất liên thông một cửa điện tử đối với 21 quy trình giữa sở, ban, ngành và Văn phòng UBND thành phố. Ngay trong tháng 7 này, thành phố sẽ phê duyệt và hoàn tất thêm 19 quy trình liên thông một cửa điện tử, để đưa vào vận hành tổng cộng 40 quy trình.

Trong 40 quy trình này, có những quy trình thuộc thẩm quyền quyết định hoặc có ý kiến của UBND thành phố và Chủ tịch UBND. Thành phố đã ban hành quy chế phối hợp, quy chế ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, nhằm xác định rõ trách nhiệm các bên và thời hạn giải quyết hồ sơ.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt là ứng dụng “giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”. Với ứng dụng này, Chủ tịch UBND thành phố sẽ giao việc và nhắc việc bất kỳ đối với các ủy viên UBND thành phố và chủ tịch UBND các quận, huyện. Thành phố tiếp tục triển khai xây dựng "Chính quyền điện tử" bảo đảm tính liên thông, đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp cơ sở và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. 

2019 là năm thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề đột phá về cải cách hành chính. Để triển khai năm chủ đề này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn đã đăng ký 665 mô hình sáng kiến về cải cách hành chính và hiện đang tích cực triển khai thực hiện.

Trong đó, nổi bật là mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” và “Hóc Môn trực tuyến”, đem lại hiệu quả rất tích cực trong hỗ trợ quản lý nhà nước. Đến nay đã có 13 quận, huyện đồng loạt triển khai ứng dụng trực tuyến để người dân và chính quyền tương tác mọi nơi mọi lúc...

Về lộ trình xây dựng “Chính quyền số”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án số hóa của Chính phủ, UBND thành phố sẽ đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông về thí điểm đề án số hóa của thành phố từ nay đến năm 2025. Bước đầu, sẽ số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu của thành phố. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đây là cơ sở quan trọng để thành phố xây dựng “Chính quyền số”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh xây dựng “Chính quyền số”: Bước chuyển mới trong cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO