Xét thấy có căn cứ để hủy bỏ việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, nên UBND TP Cần Thơ đã thống nhất hủy một phần biên bản xử phạt VPHC và trả lại 20 viên kim cương đã thu giữ của tiệm vàng Thảo Lực.
Theo đó, sau khi nghe trình bày của ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty Thảo Lực cùng ý kiến của các cơ quan liên quan, UBND TP Cần Thơ thấy có căn cứ để hủy bỏ xử phạt VPHC. Về 20 viên kim cương, lúc đầu ông Lực khai nhận gia công, sau đó ông Lực thay đổi lời khai là mua kim cương không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên Công an TP Cần Thơ trình UBND TP ra quyết định xử phạt đối với hành vi "Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ".
Tuy nhiên, sau khi bị lập biên bản, ông Lực có đơn trình bày cho rằng số kim cương và gần 20.000 hột đá nhân tạo là tài sản riêng của gia đình nên không có hóa đơn chứng từ. Các cơ quan chức năng nhận thấy giải trình của ông Lực có căn cứ, nên đồng ý hủy việc xử phạt VPHC đối với hành vi "Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" và trả lại số kim cương, hột đá nhân tạo cho ông Lực.
Về vấn đề hủy một phần quyết định xử phạt VPHC đối với tiệm vàng Thảo Lực, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ông chỉ thực hiện theo pháp luật. Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo xem xét lại toàn bộ quá trình xử lý. "Bản thân tôi rất trăn trở khi phải ký các quyết định xử phạt. Nhưng đó là việc phải làm để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong trường hợp đã ra quyết định xử phạt VPHC, nhưng thấy có căn cứ để hủy quyết định đó nhằm có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp mình hủy bỏ", ông Nam nói.
Luật sư Trần Thị Ánh thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo điều 129 Luật Xử phạt VPHC quy định về việc "Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC", như sau: Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC; Những người được quy định tại khoản 1 điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định; Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến.
Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 2 người chứng kiến; Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản; Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC phải được giao cho người chủ nơi bị khám 1 bản.
Trong trường hợp này, chủ tiệm vàng cho rằng đây là tài sản riêng của vợ chồng ông, không phải hàng hóa trưng bày mua bán. Nếu căn cứ khoản 1 điều 129 nêu trên, thì việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC, trong khi đó cơ quan chức năng không thu giữ được ngoại tệ khác là đối tượng được cho rằng tiệm vàng đã vi phạm theo đơn tố giác.