Tổng Bí thư: Ngành ngoại giao cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến

Người làm báo| 16/08/2018 08:20

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, sáng 13/8, Tổng Bí thư cho biết trong trung và dài hạn, ngành ngoại giao phải lường trước các kịch bản về thay đổi trật tự thế giới, khu vực và phải chuẩn bị sẵn kế hoạch ứng phó.

Tổng Bí thư: Ngành ngoại giao cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, sáng 13/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngành ngoại giao cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật kỹ các tác động đến Việt Nam, để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng.

Theo Tổng Bí thư, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội, ngành ngoại giao tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại.

Nhấn mạnh các chủ trương, đường lối và nhiệm vụ đối ngoại lớn mà Đại hội XII thông qua vẫn là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị ngành ngoại giao cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại. Những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thì không theo kịp sự phát triển của tình hình. Vấn đề là chúng ta dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Hai là, tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tượng, đối tác; tăng cường hợp tác tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.

Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta theo luật pháp quốc tế.

Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu.

Ba là, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Cần thể hiện vai trò xứng đáng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.

Bốn là, cần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương về việc "Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" và "Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, trọng tâm là các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, CPTPP, Tổ chức Thương mại thế giới.

Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thoả thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn.

Sáu là, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng Bí thư cho rằng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược là vô cùng quan trọng để giữ  được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động phức tạp. Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn đánh giá cao các báo cáo chiến lược của ngành ngoại giao cũng như các cơ quan tham mưu đối ngoại.

Tuy nhiên, yêu cầu đối với công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược trong thời gian tới là rất cao, rất nhiều thách thức, tôi mong các đồng chí quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này.

Bảy là, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng - an ninh trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập của Đảng và Nhà nước.

Trong thời kỳ hội nhập toàn diện, xu hướng toàn cầu hoá và liên kết, hợp tác là tất yếu thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ của mỗi ngành.

Tám là, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Về tổ chức, ngành đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao, cần tích cực thực hiện các chủ trương và cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao, từ các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài đến các đơn vị trong nước, hướng tới tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII. Tổ chức, sắp xếp Đảng bộ Ngoài nước và các tổ chức Đảng bộ Bộ Ngoại giao một cách hợp lý, khoa học./.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư: Ngành ngoại giao cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO