Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn làm thủ tục đăng ký lưu trú của người nước ngoài ở khách sạn.
Nhiều diễn biến phức tạp
Tháng 5-2019, Công an quận Thanh Xuân nhận được trình báo của một công dân ở phường Nhân Chính về việc bị trộm đột nhập vào nhà lấy đi nhiều tài sản và tiền trị giá hơn 540 triệu đồng. Sau đó, cơ quan công an xác định đối tượng gây án là Hu Jie (sinh năm 1979, quốc tịch Trung Quốc). Tuy nhiên, đối tượng này đã xuất cảnh. Đến ngày 26-5, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với lực lượng chức năng thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã bắt giữ Hu Jie khi đối tượng vừa nhập cảnh trở lại vào Việt Nam.
Ngoài vụ việc trên, từ đầu năm 2019 đến nay, công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý hàng chục vụ móc túi, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng do người nước ngoài gây ra. Bên cạnh đó, nhiều vụ án do người nước ngoài, các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn cũng đã diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Về thủ đoạn của các đối tượng, Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các đối tượng người nước ngoài đã sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua điện thoại, thuê người Việt Nam mở tài khoản ATM tại các ngân hàng và giao thẻ này cho các đối tượng sử dụng vào việc chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt. Các đường dây này còn mạo danh cán bộ của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện thoại cho người bị hại để đe dọa tài sản mà họ đang có liên quan đến rửa tiền, mua bán ma túy, buôn lậu…, nhằm buộc nạn nhân phải chuyển tiền để giải quyết, điều tra, chạy án.
Không dừng lại ở đó, các đối tượng người nước ngoài đã chủ động lên mạng làm quen, tạo niềm tin với nhiều phụ nữ nhằm mục đích lừa đảo. Có thể kể đến vụ việc bà T.M.L. (sinh năm 1974, trú ở quận Thanh Xuân) bị đường dây do đối tượng Ezechiedo (sinh năm 1977, quốc tịch Nigeria) cầm đầu cùng 4 đối tượng người Việt Nam khác lừa đảo số tiền hơn 138 triệu đồng. Ngoài những vụ án này, theo Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hà Nội), trong nhiều vụ án về ma túy, “tín dụng đen”... cũng đã xuất hiện những yếu tố liên quan đến tội phạm nước ngoài.
Chia sẻ thêm về tình hình tội phạm người nước ngoài, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho biết, trong các vụ án, thủ phạm thường đi theo nhóm hoặc có sự góp sức của các đối tượng là người Việt Nam thông thạo địa hình, am hiểu tình hình tại địa phương để trộm cắp tài sản.
Phòng ngừa từ cơ sở
Thượng tá Nguyễn Thành Long cho biết, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do họ thường có thái độ bất hợp tác. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng. Cùng với đó, các chế tài về xử lý hành chính người nước ngoài trong thời gian qua như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề.