Ở Hà Nội, một số taxi dán phía sau biểu ngữ: "50.000 xe thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?"
Treo băng rôn "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam" là một trong những phản ứng mới của taxi Vinasun tại TP.HCM.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết là hãng đã yêu cầu các tài xế tháo gỡ băng rôn và 'tìm biện pháp đấu tranh khác'.
Nhưng cớ sự vì sao giới taxi của Vinasun lại phải phản ứng như thế?
Một trong những "bất công" đầu tiên mà giới taxi cáo buộc Uber - Grab là thuế.
Giới kinh doanh vận tải taxi nhận thấy rằng có đến khoảng 13 quy định "bất công" ngoài thuế về điều kiện kinh doanh giữa taxi và "taxi công nghệ" kiểu Uber - Grab.
Ở TP.HCM, theo thống kê của Sở GT-VT, cơ quan này đã cấp đến 24.000 phù hiệu cho xe Uber-Grab tính đến tháng 9 năm nay, trong tổng số 25.000 xe chạy "hợp đồng điện tử".
Như vậy, số lượng Uber-Grab đã hơn gấp đôi taxi truyền thống, vốn đang có 11.000 xe hoạt động, trong đó Vinasun có khoảng 6.000 xe taxi.
Tổng cộng ở thành phố này đang có khoảng 36.000 xe ôtô hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách.
Cục thuế TP.HCM đã ra quyết định truy thu thuế và phạt Uber 66,68 tỉ đồng, tuy nhiên, Uber lại cho rằng điều đó là bất công nên đang khiếu nại ra Bộ Tài chính.
Những "bất công" của giới taxi truyền thống ở Việt Nam xoay quanh chuyện thuế và điều kiện kinh doanh phản ánh một điều: những mô hình mới ứng dụng công nghệ như Uber - Grab đang có lợi thế rất lớn.