Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội thảo....
Tham dự Hội thảo còn có các ông Lê Hồng Quang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; các thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Lãnh đạo Toà án nhiều địa phương; các luật sư và nhà khoa học có uy tín trên cả nước. LS. TS Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia đã tham dự Hội thảo và phát biểu ý kiến góp ý cho các dự thảo án lệ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoà Bình đã thông tin về kết quả chuẩn bị của Vụ pháp chế và quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao về 18 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, 01 bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và 02 bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Đăklăk và Hà Tĩnh được lựa chọn xây dựng nguồn án lệ.
Cùng với việc Toà án nhân dân tối cao công bố trên 800 bản án trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định, đây là bước tiếp nối quan trọng với việc ban hành 10 án lệ thời gian qua, thể hiện chủ trương cải cách tư pháp và bước chuyển mạnh mẽ hướng đến việc áp dụng thống nhất án lệ trong xét xử đối với những tình huống tương tự mà pháp luật chưa điều chỉnh của ngành Toà án, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và người dân. Đáng chú ý, có nhiều dự thảo được đề xuất từ các nhà khoa học, luật sư và từ Toà án địa phương, đồng thời đã có Toà án địa phương sử dụng án lệ làm căn cứ xét xử.
Phó Chủ tịch LĐLSVN Phan Trung Hoài trao đổi với Chánh án TANDTC bên lề Hội thảo...
Trong suốt một ngày tổ chức Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi với nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm rõ thêm các tiêu chí của các dự thảo có đủ căn cứ để xây dựng thành nguồn án lệ hay không. Nhiều bản án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại được lựa chọn và chuẩn bị công phu, chu đáo, với nhiều tình huống và giải pháp pháp lý có ý nghĩa trong việc áp dụng đối với các trường hợp tương tự nảy sinh trong thực tiễn xét xử. Trong đó phải kể đến một số vụ án nổi bật như giám định AND đối với con trâu, tình tiết “có tính chất côn đồ” trong vụ án giết người, hay dấu hiệu “bỏ trốn” trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xác định giao dịch dân sự vô hiệu liên quan việc thanh toán bằng ngoại tệ, tình huống lấn ranh trong tranh chấp đất đai, vấn đề quan hệ độc lập giữa L/C và hợp đồng kinh doanh thương mại… đã được nhiều đại biểu trao đổi kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, thông qua việc lấy ý kiến này, các dự thảo án lệ sẽ được Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia thảo luận, đồng thời lấy ý kiến của một số bộ, ngành liên quan trước khi đề xuất Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Về phần mình, ngay từ khi Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03 ngày 28.10.2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc ban hành 10 án lệ thời gian qua. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế đã tổ chức 02 Hội thảo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về kỹ năng vận dụng án lệ của luật sư trong hành nghề. Cùng với đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia, nhiều luật sư uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn như LS Trương Nhật Quang, LS Nguyễn Hưng Quang đã có nhiều đóng góp tích cực với Vụ pháp chế và quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao trong việc đề xuất, góp ý và xây dựng nguồn án lệ, được Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao ghi nhận và đánh giá cao.