Tổ chức trưng bày tri ân Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng

Hanoimoi| 23/04/2022 09:29

Thiết thực kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”, ra mắt công chúng ngày 28-4 tới.

Trưng bày nhằm tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổ chức trưng bày tri ân Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
Đại tướng Văn Tiến Dũng tại mặt trận.

Trưng bày giới thiệu 150 tài liệu hiện vật, hình ảnh gồm 3 chủ đề: Người con ưu tú của Hà Nội; Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh và Nhớ về Đại tướng. Trong đó, điểm nhấn của Trưng bày là làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam (Nhà và hầm D67) từ năm 1968-1975. Tại đây, theo sự phân công của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhiều lần rời căn phòng làm việc, trực tiếp vào chỉ huy các mặt trận nóng bỏng, có tính chất bước ngoặt của cuộc chiến.

Đặc biệt, giữa những ngày giáp Tết năm Ất Mão (1975), có một vị Tổng Tham mưu trưởng đã một lần nữa bí mật rời Tổng hành dinh (Nhà D67) vào Tây Nguyên, chỉ huy những đòn tấn công chiến lược, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cuộc Tổng tiến công đã toàn thắng với chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch mà Đại tướng được Bộ Chính trị giao trọng trách làm Tư lệnh.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 17/3/2002) sinh ra trong gia đình nghèo tại làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông phải bỏ học từ sớm, để vào làm công cho các xưởng dệt để kiếm sống. Tại đây, dưới sự áp bức của chế độ thực dân, Văn Tiến Dũng đã tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và sớm được giác ngộ cách mạng. Trải qua nhiều gian khó trong phong trào đấu tranh, trưởng thành trong chiến đấu, anh công nhân ngày nào đã trở thành một tướng lĩnh quân sự cao cấp đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng. Năm 1953, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, và là Tổng Tham mưu trưởng 25 năm.

Tổ chức trưng bày tri ân Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
Thượng tướng Văn Tiến Dũng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị pháo phòng không ở Hà Nội.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị, tại Tổng hành dinh, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo các mặt trận, đánh thắng nhiều chiến dịch lớn; bảo vệ Hà Nội, miền Bắc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ... Đặc biệt, trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thường xuyên có mặt tại chiến trường, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch then chốt, như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; Trị - Thiên; Tây Nguyên, và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Viết về Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất - đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Hội Điện ảnh Hà Nội: Nhiều hoạt động ghi dấn ấn trong năm 2024
    Sáng ngày 11/12, Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức trưng bày tri ân Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO