Phải đặt câu hỏi như vậy, bởi với người lao động để kiếm được đồng tiền họ phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, “một nắng, hai sương”, nên phản ứng của họ khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng là điều bình thường, có thể thông cảm. Thời tiết nắng nóng, các gia đình đều phải sử dụng các thiết bị làm mát (quạt điện, điều hòa…) nên tiền điện tăng hơn trước cũng là chuyện bình thường, người dân cần chia sẻ với ngành điện.
Nhưng, tiền điện tăng gấp ba, bốn lần so với trước thì quả là không bình thường chút nào. Sở dĩ nói vậy là vì, người lao động không thể ở nhà cả ngày để dùng quạt, máy lạnh mà phải đi làm kiếm sống. Lũ trẻ cũng phải đến trường vì chưa được nghỉ hè. Thế nên, thời gian sử dụng các thiết bị điện cũng không quá nhiều và tiền điện khó có thể tăng bất thường đến thế.
Mấy ngày nay, báo chí, mạng xã hội xôn xao trước thông tin ở nhiều địa phương như Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh xảy ra tình trạng ghi sai chỉ số công tơ điện. Điển hình là ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), có hộ dân nhận hóa đơn tiền điện lên tới 89.350.496 đồng. Quá hoảng trước số tiền lớn như vậy, khách hàng đã khiếu nại.
Qua kiểm tra, rà soát ngành điện đã thừa nhận sai sót và chốt lại khách hàng phải trả tiền điện sử dụng là 368.335 đồng, tức là ngành điện nhầm số tiền lớn gấp hơn 240 lần số tiền khách hàng phải trả !?.
Nhưng thôi, vì đấy là trường hợp cá biệt. Bởi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang có tới 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Tuy nhiên, khi lý giải về việc hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng, EVN lại đổ vì thời tiết nắng nóng, các hộ gia đình sử dụng máy lạnh, điều hòa nhiệt độ nhiều nên chi phí sử dụng điện tăng. Đây là cách giải thích không sai nhưng cũ và thiếu thuyết phục.
Nói vậy là bởi, hiện EVN vẫn đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang gồm 6 bậc và rất phức tạp. Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50 được tính 1.678 đồng/số điện, bậc 6 (bậc cao nhất) cho kWh từ 401 trở lên, được tính 2.927 đồng/số điện.
Trong khi đó, số hộ gia đình tiêu thụ điện từ 50-100 kWh không nhiều do đời sống của người dân đã được nâng cao. Theo các chuyên gia, biểu giá bán điện bậc thang này đã lạc hậu vì mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý. Đó là chưa kể việc không thống nhất ngày chốt để ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng cũng gây nhiều tranh cãi.
Được biết, cuối tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với nhiều kịch bản và đề xuất chọn biểu giá 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Bản chất của kịch bản biểu giá mới này là để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, nhằm phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay. Tuy nhiên, phương án này lại hoãn vì dịch Covid-19.
Động thái thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho thấy bản thân ngành điện cũng đã nhìn ra sự bất hợp lý trong cách tính giá điện sinh hoạt hiện nay. Nhưng, nếu chỉ thay đổi cơ cấu biểu giá không chưa đủ mà cần có sự minh bạch trong cách tính, giảm độc quyền, hướng tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Chỉ như vậy mới không còn những sự bất thường trong mối quan hệ bình thường cung - cầu giữa ngành điện với khách hàng.