Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ: Đừng đi lễ đền, chùa bằng tâm lý "xin - cho"!

Hoàng Lân/HNM| 24/01/2019 10:49

Đi lễ đền, chùa là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ bao đời nay. Nó không chỉ thể hiện đức tin của người Việt mà còn cho thấy những ước nguyện, khát vọng, sự hướng thiện của con người vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, văn hóa đi lễ đền, chùa dần bị méo mó với nhiều hình ảnh không đẹp như rải tiền lẻ lên ban thờ, chen lấn xô đẩy khi hành lễ, đốt vàng mã nhiều…

Phóng viên đã gặp gỡ và trao đổi với Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Phật giáo TP Hà Nội để hiểu rõ hơn văn hóa lễ đền, chùa thế nào là đúng và văn minh, nhất là khi Tết cổ truyền đang đến gần, thời điểm mà văn hóa tín ngưỡng của dân tộc được thể hiện đậm nét nhất.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ: Đừng đi lễ đền, chùa bằng tâm lý
Theo Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, việc lễ chùa là để hướng thiện, mong sự bình an.

* Hiện tượng đặt tiền, đặc biệt là tiền lẻ lên ban thờ ở các đình, đền, chùa vẫn xảy ra, tạo hình ảnh không đẹp trong văn hóa tín ngưỡng. Thượng tọa suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

- Việc đi lễ chùa, hay các địa điểm tín ngưỡng, thánh tích của người Việt vào những ngày đầu tháng, ngày rằm hay vào đầu xuân năm mới là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn. Tuy nhiên, người dân đi lễ hiện nay cũng có nhiều mục đích khác nhau. Có người đi lễ để mong tìm được sự thanh thản, có người lại mưu cầu nhiều mục đích khác nhau. Việc bày tỏ những ước nguyện lên bậc bề trên là điều chính đáng nhưng để thực hiện điều đó thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ. 

Việc người dân để tiền lên ban thờ, gài tiền vào tay tượng, ở các giỏ lễ là hình ảnh rất xấu, không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt. 

Hiện nay, người dân cũng có hình thức “cúng dường”, tức là đặt tiền lễ lên Tam Bảo để cúng. Nhưng tôi cho rằng với một người hiểu đạo Phật thì không ai làm thế. Không nên đặt tiền lên ban thờ, hành động đó không khác gì “mua - bán” thần, phật. 

Bà con, phật tử nếu có lòng muốn đóng góp cho nhà chùa thì hãy bỏ vào hòm công đức hoặc gửi lại Ban quản lý đền, chùa ghi sổ công đức. Đây vừa là hành động có văn hóa, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, thậm chí là trộm cắp xảy ra ở nơi thờ tự. 

* Nhưng nhiều người vẫn có tâm lý, đến đền, chùa mà không có lễ hay không đặt tiền thì thần, phật không chứng giám. Theo Thượng tọa, làm thế nào để xóa bỏ được tâm lý ấy?

- Đi lễ ở đâu cũng cần chính là lòng thành, niềm tin vào tín ngưỡng chứ không phải vật chất. Nếu tâm không hướng thiện, lòng không thành thật mà chỉ nghĩ đến việc bỏ tiền mua lễ, đặt tiền lên ban thờ là đạt được điều mình mong muốn thì không phải là giáo lý Phật giáo. Chốn tâm linh là nơi để con người hướng thiện, tìm thấy sự thanh thản chứ không phải là nơi có thể làm cho ai đó giàu có hơn, thành đạt hơn.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ: Đừng đi lễ đền, chùa bằng tâm lý
Người đi lễ đền, chùa cần thành tâm, trang phục lịch sự, chỉn chu.

* Người đi lễ đền, chùa thường có tâm lý dâng thật nhiều lễ, rải nhiều tiền lẻ, đốt nhiều vàng mã thì sẽ cầu xin được những điều mình mong muốn. Quan điểm của Thượng tọa về việc này thế nào?

- Cửa chùa không phải là nơi để xin xỏ, đổi chác, cầu xin những điều rất thực dụng như “buôn may bán đắt”, “công thành danh toại”… Những người thấu hiểu đạo Phật để hiểu rất rõ luật nhân - quả của Phật giáo, chẳng gì là tự dưng mà có nếu không cố gắng từ bản thân. 

Chính tâm lý "xin - cho" hằn sâu vào ý thức của nhiều người ở đời thực nên cũng bị lây lan sang cả đời sống tâm linh. Người đi lễ phải hiểu rằng, những điều mà họ bày tỏ mong muốn giống như là lời phát nguyện để tự bản thân phấn đấu hơn mà thôi.

* Nhiều năm nay, vấn đề đốt vàng mã và hương khói ở trong các đền, chùa dù đã được quản lý chặt hơn nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối vì nhiều người chưa bỏ được thói quen và tư duy cũ. Thượng tọa nghĩ sao về hiện tượng này?

- Tôi vẫn luôn nhắc nhở các phật tử, không đốt vàng mã ở chùa vì điều này không đúng với tín ngưỡng Phật giáo. Với bà con đi lễ, tôi có lời khuyên rằng, vàng mã chỉ đốt ở nơi thờ thánh, mẫu và cũng không nên lạm dụng. Số tiền để mua vàng mã đốt, bà con để công đức còn sử dụng vào những việc có ý nghĩa hơn, lại tránh việc ô nhiễm môi trường. 

Ngay cả việc sử dụng hương thế nào để bảo đảm an toàn, tôi cũng hướng dẫn với các phật tử của mình. Nhiều người vì quan niệm, phải tự châm nhang thì thần, phật mới chứng, đó là suy nghĩ sai. Khi trong điện thờ đã có hương thì người đi lễ chỉ cần lòng thành vào lễ là đã được chứng giám rồi.

* Xin Thượng tọa có hướng dẫn cụ thể về tâm thế, cách hành lễ thế nào là văn minh và đúng?

- Đi lễ đền, chùa hay bất cứ nơi tín ngưỡng nào trước hết phải thành tâm. Sự thành tâm ấy thể hiện từ việc đi đứng, ăn mặc, nói năng phải chỉn chu, đàng hoàng, từ tốn. Đến những nơi tín ngưỡng đông người, cần có thái độ hòa nhã, không chen lấn, xô đẩy. Thường sẽ lễ ở điện chính trước rồi mới sang lễ hai bên, nhưng nếu đông người đứng lễ thì có thể lễ ở hai bên trước. 

Tôi cũng khuyên người đi lễ, nếu chỉ có một mâm lễ thì đặt ở chính điện, không nên xé lẻ ở các mâm nhỏ, đặt ở nhiều nơi. Người đi lễ tự khấn theo tâm của mình, không nên thuê người khấn thay, khấn hộ. Hình thức này rất phản cảm và không đúng văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

* Trân trọng cảm ơn 
Thượng tọa!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ: Đừng đi lễ đền, chùa bằng tâm lý "xin - cho"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO