Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

HNM| 10/01/2021 16:51

Sáng 10-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Lễ khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những công trình thủy điện lớn trên dòng sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công trình Thủy điện Hòa Bình cũng là biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành Điện Việt Nam đã vươn lên phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong điều kiện hạn hán, thiên tai, chỉ số tiếp cận điện năng đạt tiến bộ rất lớn, có vai trò quan trọng trong chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu chúng ta không chủ động làm những công trình điện lớn khác thì khó có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng nêu rõ, với khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ đặt ra cho EVN, các nhà thầu và các cơ quan liên quan là rất nặng nề. Do đó, cần nâng cao tinh thần đoàn kết, thi công dự án bảo đảm tiến độ, an toàn tuyệt đối, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn cho hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện đúng tiến độ, chất lượng chi tiết từng hạng mục. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình cần làm tốt giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh, an toàn trên công trường cho các đơn vị thi công.

Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, cách đây 41 năm, vào năm 1979, công trình thế kỷ - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, đã được khởi công, mở đầu cho “bản hùng ca của ngành Điện lực Việt Nam thế kỷ 20”. Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW, ngoài nhiệm vụ chính là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện quốc gia còn có nhiệm vụ chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ du, bảo đảm lưu lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho Đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên công trình thủy điện Hòa Bình ở đỉnh đồi Ông Tượng, thành phố Hòa Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Quyết định xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình ngày ấy là một quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh khó khăn bộn bề sau ngày thống nhất đất nước. Sau 15 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành, đưa vào vận hành, đánh dấu thành công lớn đầu tiên của những người xây dựng thủy điện trong việc chinh phục và biến dòng sông Đà hung dữ trở thành nguồn năng lượng chủ lực của quốc gia, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm cuối thế kỷ trước và nhiều năm về sau.

Theo EVN, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9.220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: Nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4.000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu EUR của Cơ quan Phát triển Pháp (AfD).

Dự án có tổng công suất 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành, công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt 2.400 MW.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem hình ảnh về địa điểm thực hiện dự án. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,3 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III-2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV-2024.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khởi công dự án.

Nhân dịp này, EVN trao 1 tỷ đồng cho Quỹ An sinh xã hội tỉnh Hòa Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Vài cảm nhận về Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc 2024
    Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2024 nhận được nhiều sự quan tâm của các nghệ sĩ và người yêu nhiếp ảnh của 15 tỉnh gửi dự thi. Với số lượng ảnh khá lớn, trên 2.200 ảnh gồm cả ảnh đơn và bộ đã phần nào khái quát được mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội tại các địa phương miền núi phía Bắc.
  • Độc đáo cây Thị hơn 600 tuổi giữa làng cổ Phước Tích, thân rỗng được ví như “hang động”
    Cây thị hơn 600 tuổi ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) độc đáo với hệ thống “thạch nhũ” đẹp từ dưới gốc lên ngọn và rỗng thân giống như “hang động”. Trong chiến tranh không ít chiến sĩ cách mạng đã chui vào trong cây ẩn nấp, trốn thoát sự truy lùng của địch.
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
    Vừa qua, Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI),đại diện các Bộ ban ngành tổ chức buổi trao đổi về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.
  • Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy
    Ngày 27/4, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã long trọng tổ chức Lễ Báo công, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty (28/4/1964 - 28/4/2024) và 20 năm thành lập Công ty Cổ phần (15/7/2004 - 15/7/2024) với chủ đề “Khát vọng Rạng Đông - 60 năm hành trình theo chân Bác”.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO