Sáng 30/7, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng dự, có các phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, cộng đồng DN…
Dự kiến, Thủ tướng sẽ có chỉ thị chỉ đạo về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia về nhiều vấn đề, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp, một lực lượng được xác định có vai trò trụ cột thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội nghị thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp
Các doanh nghiệp đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế… Mặc dù vậy, lực lượng này đối diện nhiều rủi ro, khó khăn như thiên tai, quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, thủ tục hành chính...
Hội nghị này nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề, được tổ chức thời gian qua như Hội nghị toàn quốc về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Hội nghị về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Trước đó, ngày 29/7, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm trang trại sản xuất giống, khu sản xuất rau thủy canh, khu sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và thăm khu sơ chế sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm trang trại của Công ty Phong Thúy
Công ty có trang trại trồng các loại rau, quả diện tích 55 ha, sản lượng 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn liên kết với 30 hộ dân để sản xuất nông sản với diện tích 75 ha. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từ khâu giống đến thu hoạch nên công ty đã đạt doanh thu cao trên một đơn vị diện tích. Riêng mô hình sản xuất nông sản công nghệ cao trong nhà kính đã mang lại doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.
Năm 2016, tổng doanh thu của Phong Thúy đạt trên 120 tỷ đồng. 10% sản lượng nông sản sản xuất ra được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Với quy mô sản xuất như hiện nay, công ty đang tạo thu nhập ổn định cho khoảng 300 lao động và các hộ liên kết.
Đánh giá cao việc công ty đã đầu tư công nghệ cao để sản xuất nông sản an toàn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị công ty tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển thị trường, qua đó, giúp người tiêu dùng trong nước biết đến thương hiệu nông sản Phong Thúy và được sử dụng nông sản an toàn, đồng thời góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau củ quả an toàn thương hiệu Việt ra thị trường thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cùng với việc mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo công ty quan tâm việc đóng bảo hiểm cho người lao động, nông dân.