Sản xuất nấm kim châm công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Bá Hoạt
- Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Ông có thể đánh giá khái quát về những mô hình này?
- Đến nay, toàn thành phố đã triển khai 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao góp phần giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Toàn thành phố mới có một mô hình nông nghiệp công nghệ cao được Bộ NN&PTNT công nhận. Đó là mô hình trồng nấm kim châm hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản ở huyện Mỹ Đức. Do đó, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh mục 11 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2019-2025 với số vốn khoảng 6.700 tỷ đồng, tại các huyện như Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng...
- Vậy theo ông, đâu là vướng mắc với Hà Nội trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
- Hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải thực hiện giải phóng mặt bằng như các dự án đô thị, giao thông khác hoặc thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án này tại Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố lân cận. Chưa kể, ở nhiều địa phương, nông dân bỏ ruộng hoang nhưng cũng không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã... thuê lại đất để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mặt khác, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí - được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác, mới được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn. Tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất, không tính đến tài sản gắn liền với đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sở hữu tài sản trên đất quá chậm... cũng là những "rào cản" trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Chưa kể tới nhiều vấn đề khác, như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý môi trường, khu sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn còn thiếu và yếu...
- Để việc thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, cũng như nhân rộng những mô hình đã chứng minh tính hiệu quả, theo ông cần những giải pháp nào?
- Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ 4 giải pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, các địa phương cần quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khả năng đầu tư, cân đối cung cầu. Cùng với đó là thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang để giao lại cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ ba, các chính sách về vốn đầu tư cần được kết hợp, lồng ghép với chương trình, mục tiêu của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT cũng như thành phố Hà Nội..., để tạo nguồn lực đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng kết hợp nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân. Đồng thời, tạo cơ chế huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thứ tư, thành phố hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình điểm làm nơi thực hành, tham quan để nâng cao hiệu quả quá trình đào tạo, tập huấn, từ đó nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất. Mặt khác,
Sở NN&PTNT cũng kiến nghị thành phố điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản ứng dụng công nghệ cao; thí điểm một số loại hình chợ để các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.
Khi đó, nông nghiệp công nghệ cao sẽ có bước tiến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của nông nghiệp Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!